Hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp, định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế
Ngày 22/7/2024, tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp, định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế. Hội nghị do Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Chánh Thanh tra Bộ Y tế chủ trì và sự tham dự của đại diện lãnh đạo: Vụ 5 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và hơn 300 đại biểu đến từ Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giảng viên Bộ Tư pháp cung cấp thông tin về vai trò của công tác giám định tư pháp; hệ thống văn bản có liên quan trực tiếp như: Bộ Luật tố tụng, Luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành (NĐ 85/2013/NĐ-CP; NĐ 157/2020/NĐ-CP; QĐ số 01/2014/QĐ-TTg); Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết án tham nhũng. Các văn bản của Bộ Y tế như Quyết định số 299/QĐ-BYT ngày 06/02/2024 ban hành quy trình giám định thuộc Bộ Y tế; Hệ thống các văn bản quy định trong lĩnh vực y tế liên quan đến nội dung giám định (là quy chuẩn chuyên môn). Một số nội dung quy định liên quan đến công tác giám định tư pháp như quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, xử lý trường hợp khi quy định trưng cầu giám định chung chung vượt quá phạm vi chuyên môn, thời hạn giám định, bản kết luận giám định, vấn đề ký tên trong kết luận giám định, thời hạn giám định, tổ chức thực hiện giám định, tham gia tố tụng, tham gia phiên tòa…
Các giảng viên Bộ Tài chính truyền tải thông tin về định giá trong tố tụng hình sự: Quy định của pháp luật có liên quan bao gồm: Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 18/3/2018, Nghị định 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019, Thông tư 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2010, Luật giá và các văn bản hướng dẫn, Pháp luật chuyên ngành, Hệ thống 13 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, Thông tư 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014. Bộ Luật Tố tụng hình sự theo các Điều 69, 101, 135, 136, 147, 148, 215-222, 229, 247, 252, 294, 297, 299, 302, 303, 316, 443, 466. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp: Nghị định 26/2005/NĐ-CP là những quy định đầu tiên về hoạt động của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự; Nghị định 97/2019/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời một số quy định tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP để giải quyết một số vướng mắc trong triển khai; Nghị định 30/2018 thay thế Nghị định 26/2005/NĐ-CP để cụ thể hóa về trình tự, thủ tục, hoạt động của Hội đồng theo Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015; Thông tư 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 hướng dẫn Nghị định (thay thế Thông tư 43/2018). Yêu cầu định giá tài sản sẽ phát sinh trong quá trình xử lý thông tin tố giác tội phạm, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Những nguyên tắc căn bản đối với việc yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản được quy định cụ thể tại Điều 215, 216 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Điều 5 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Điều 3, 4, 5 Thông tư 30/2020/TT-BTC…
Các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và phân tích về một số vướng mắc tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định, định giá tài sản theo vụ việc trong thời gian tới.
Hội nghị là dịp để các đơn vị, cán bộ làm công tác giám định tư pháp, định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế được nâng cao kiến thức, kỹ năng về giám định tư pháp, định giá tài sản theo vụ việc và làm rõ hơn các quy định của pháp luật và có cách thức phối hợp thực hiện giữa các cơ quan có liên quan. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp, định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự lĩnh vực y tế./.