A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Nông dân tỉnh: Vững vàng vượt khó, tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững

Chiều ngày 24.12, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Tuần Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận và Văn phòng Tỉnh ủy; các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa XVII và cán bộ, công chức Hội Nông dân tỉnh.

(Quang cảnh Hội nghị)

Những kết quả nổi bật trong năm 2024

Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển nông thôn và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội đã triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, từ việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến tổ chức các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Điển hình là việc vận động hội viên tham gia các phong trào giúp đỡ các gia đình nghèo và gia đình chính sách trong dịp Tết, với hơn 235.000 lượt hội viên tham gia, vượt 106% chỉ tiêu. Đồng thời, Hội cũng tích cực củng cố tổ chức, kết nạp 4.789 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên hơn 222.000 người, vượt 119% chỉ tiêu đề ra.

Hội chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, tổ chức hơn 3.200 buổi tập huấn, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận các mô hình sản xuất hiện đại và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ kinh tế như khuyến khích xây dựng hợp tác xã và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững được triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, Hội đã tổ chức 150 lớp tập huấn về kinh tế nông nghiệp và các kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng những kiến thức mới vào sản xuất. Ngoài ra, Hội cũng tham gia tích cực vào các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các gia đình khó khăn, với 35 ngôi nhà Đại đoàn kết và Mái ấm nông dân được xây dựng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho các gia đình nghèo; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,01%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước (giảm 2,12% so với cùng kỳ).

Hội đã vận động hơn 221.800 hội viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt 100,5% chỉ tiêu, và 3.966 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt 120% chỉ tiêu đề ra. Với những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, Hội đã triển khai 216 mô hình "Nông dân bảo vệ môi trường" và 85 tổ "Thu gom rác thải nông thôn", góp phần cải thiện chất lượng sống của cộng đồng. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, với việc huy động hội viên đóng góp 47.296 ngày công lao động, hiến 38,7 ha đất, đóng góp 26,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực nông thôn. Kết quả là trong năm, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); huyện Tây Sơn và huyện Phù Mỹ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng các tiêu chí của các địa phương đã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới các năm trước tiếp tục được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 07 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 91/113 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đạt tỷ lệ 80,5%, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Hội cũng không ngừng sáng tạo trong việc kết nối với các tổ chức quốc tế, vận động hơn 4 tỷ đồng tài trợ từ các đối tác nước ngoài cho các dự án phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ và giúp đỡ 14 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP cấp quốc gia, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 76 sản phẩm. Những kết quả trên không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm của hội viên đối với cộng đồng và sự phát triển bền vững của nông thôn.

(Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu chỉ đạo Hội nghị)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2024 của Hội Nông dân tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp và hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền và các ngành, đoàn thể, các cấp Hội, hội viên và nông dân tỉnh ta đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và triển khai thực hiện các phong trào, đạt kết quả tích cực. Tất cả các chỉ tiêu Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao và Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đề ra năm 2024 đều đạt từ 100% trở lên. Những kết quả đạt được của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng giai cấp nông dân.

Song, đồng chí Phó Bí thư Thường trực cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Các cấp Hội chưa phát huy hết vai trò trong thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ mới. Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ở một số cấp Hội còn thiếu chủ động, chưa thường xuyên. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên chưa được quan tâm đúng mức, khiến một số vấn đề chưa được giải quyết kịp thời. Công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước vẫn còn thiếu đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Hội Nông dân tỉnh

Năm 2025 sẽ là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi đất nước và tỉnh Bình Định diễn ra nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây cũng là thời điểm các cấp hội và hội viên cần nỗ lực cao độ, phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, để đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục thực hiện các chương trình hành động quan trọng của Trung ương và địa phương. Tập trung triển khai các chương trình hành động, kế hoạch của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh ủy nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới". Các hoạt động của Hội cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phản ánh kịp thời các nguyện vọng của hội viên, đóng góp vào giải quyết các vấn đề bức xúc của nông dân. Cùng với đó, Hội sẽ thực hiện các đề án lớn như Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" nhằm tạo ra những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết sản xuất hiệu quả cho nông dân.

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát triển hội viên chất lượng. Tăng cường củng cố tổ chức Hội từ cơ sở, phát triển hội viên mới đi đôi với việc nâng cao chất lượng hội viên, nhất là các hội viên nòng cốt, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Việc phát triển hội viên sẽ được chú trọng từ các phong trào thi đua và cuộc vận động, khuyến khích nông dân tham gia tổ chức Hội để thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững. Hội sẽ tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các mô hình sản xuất mới, hiệu quả.

Đổi mới các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội. Hội Nông dân tỉnh phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào như: "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", "Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới", "Nông dân bảo vệ môi trường", và "Nông dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đặc biệt, chú trọng vào phong trào xây dựng làng, xã an toàn, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nông thôn và đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền về các mô hình nông dân sản xuất giỏi, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào sản xuất, lao động sáng tạo, bảo vệ an ninh trật tự và phòng, chống thiên tai.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hội Nông dân tỉnh cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ mới, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Cùng với đó đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, thân thiện với môi trường, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Công tác bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát động các phong trào bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc thu gom rác thải nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất sạch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ được chú trọng, nhất là xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các xã nông thôn. Tích cực huy động hội viên tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, đóng góp tiền và vật tư để xây dựng các công trình phúc lợi, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.

Đẩy mạnh kết nối, hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp. Tiếp tục duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhằm huy động nguồn lực tài trợ cho các dự án phát triển nông nghiệp bền vững. Các dự án hợp tác quốc tế cần tập trung vào việc hỗ trợ nông dân tiếp cận các giống cây trồng, vật nuôi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn quốc gia và xuất khẩu. Đồng thời, Hội cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, nhà khoa học để hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 05 cá nhân nông dân tiêu biểu của tỉnh Bình Định, có mô hình sản xuất hiệu quả, giúp đỡ cho nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động; tặng Bằng khen cho 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024 và 05 tập thể, 08 cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong công tác Quỹ hỗ trợ nông dân năm 2024

(Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội và đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên BTV TU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thừa ủy quyền tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ)

Năm 2025, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm, Hội Nông dân tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Tác giả: Bảo Giang
Nguồn:binhdinh.dcs.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật