A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương miền núi

Các huyện miền núi trong tỉnh đang tạo ra nhiều sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã tập trung hỗ trợ tuyên truyền, tích cực quảng bá.

Huyện Vĩnh Thạnh hiện là địa phương có nhiều sản phẩm chất lượng cao như: Rượu sâm nhung, rượu Vĩnh Cửu, dầu phộng Bà Cư, nem chả Quốc Hội, tinh bột mì, tinh bột nghệ, trái ươi, cam sành… Bà Nguyễn Thị Hồng Lạc, chủ cơ sở sản xuất dầu phộng Bà Cũ, ở xã Vĩnh Quang, cho biết: Từ cơ sở ép dầu nhỏ, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy ép dầu tự động; đổi mới mẫu mã, bao bì hiện đại và đăng ký bảo hộ thương hiệu. UBND huyện hỗ trợ chúng tôi đăng ký và đạt chứng nhận OCOP 3 sao; kết nối tham gia, quảng bá thương hiệu tại các hội nghị, phiên chợ, hội chợ… Nhờ vậy việc tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều.

Để giúp người dân bán hàng, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập ban điều hành, tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất đăng ký chứng nhận và quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm.

HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn trưng bày các sản phẩm đặc trưng của miền núi tại gian hàng ở homestay Nẫu Ecovalley (xã An Toàn, huyện An Lão). Ảnh: HẢI YẾN

Tương tự Vĩnh Thạnh, mấy năm gần đây các huyện miền núi trong tỉnh cũng tích cực động viên, khuyến khích các xã, các đơn vị, cơ sở sản xuất phát triển các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, các địa phương còn tìm cách phù hợp hỗ trợ các cơ sở, chủ thể để có thể bán hàng thuận lợi, phát triển sản xuất.

Huyện An Lão có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 29 sản phẩm 2 sao, trong đó có một số sản phẩm tạo nên thương hiệu riêng như: Mật ong rừng của cơ sở kinh doanh mật ong rừng Mây, xã An Tân; cam sành của hộ ông Lê Văn Năng, xã An Toàn; cau trái của Công ty TNHH Thương mại Huệ Cư, xã An Hòa; trà thảo dược chè dây Dạ Cẩm, Cao dược liệu Thắng Xịn, Cao dược liệu Kiện Vị của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Huyện An Lão phấn đấu trong năm 2023 có ít nhất 5 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao. Huyện hỗ trợ ít nhất 50% chi phí để chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, chợ phiên, điểm bán sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh...) đồng thời hỗ trợ xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặt tại thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa.

Bước đầu, ở khu vực miền núi, chương trình OCOP đã tham gia giải quyết các vấn đề của sản xuất nông nghiệp nông thôn như: Đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công… Ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở trà và cà phê Cazin (huyện Vân Canh) chia sẻ: Sau khi sản phẩm trà dung đạt chứng nhận OCOP, cơ sở chúng tôi mở rộng vùng nguyên liệu và đa dạng hóa canh tác với một số giống cây trồng khác như: Tía tô, diếp cá, sâm bố chính để tạo nguyên liệu làm trà và các sản phẩm làm đẹp da, tăng cường sức khỏe… Cơ sở nhận sự hỗ trợ vốn từ các chương trình khuyến công đầu tư các phương tiện máy móc chiết xuất, đóng gói, máy sấy lạnh. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của cơ sở tạo thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tháng 7.2023, Sở Công Thương xây dựng mô hình thương mại hai chiều tại HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão). Ông Vũ Đức Hòa, Giám đốc HTX, cho biết: Mô hình này kết nối tiêu thụ sản phẩm của người dân ở xã An Toàn nói riêng và huyện An Lão tới 18 tỉnh, thành trong cả nước. Chúng tôi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật cho các xã viên xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại xã An Toàn. Qua đó, các sản phẩm địa phương như mật ong, dứa, dược liệu tăng năng lực cạnh tranh, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm ổn định cho bà con.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, năm 2023, Sở Công Thương tổ chức cho các đơn vị tham gia 9 hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm. Ngày 15.8 tới đây, Sở sẽ tổ chức hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tại TP Quy Nhơn trong 3 ngày.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Hy vọng từ những hoạt động này, các cơ sở, đơn vị sẽ có cơ hội tốt tiếp tục mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng, cộng đồng xã hội đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Định.


Tác giả: HẢI YẾN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật