A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc phục khó khăn, giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số

Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HÐND tỉnh vừa tổ chức giám sát “Tình hình và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2024” tại các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Từ đó, đề xuất nhiều giải pháp giúp các địa phương thực hiện hiệu quả công tác giải quyết đất sản xuất cho người dân được thụ hưởng chính sách.

Vẫn còn nhiều bất cập

Theo UBND huyện An Lão, năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện An Lão là 2.857 hộ/10.283 nhân khẩu. Trong đó, có 588 hộ thiếu đất sản xuất và không có đất sản xuất. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất hằng năm của UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện An Lão đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, UBND các xã, đơn vị liên quan đo đạc, xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 588 hộ kể trên.

Trong công tác giao đất nông nghiệp thuộc dự án Hồ chứa nước Đồng Mít, UBND huyện An Lão phối hợp với Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh, UBND các xã An Trung, An Dũng, An Hưng tổ chức giao đất lúa sản xuất cho 278 hộ với diện tích 56,54 ha; giao đất lâm nghiệp sản xuất cho 393 hộ với diện tích 364,81 ha. Mặt khác, có 255/287 hộ không có đất sản xuất đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế.

Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết, thực hiện các chủ trương, chính sách giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), địa phương nhận thấy công tác điều hành, chỉ đạo quản lý đất đai có lúc chưa chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót. Quỹ đất của địa phương quản lý hạn chế, không đủ bố trí đất sản xuất cho các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách. Nhiều hộ dân chưa quan tâm đến việc làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở địa phương...

Nhờ được giao đất sản xuất, người dân thôn 1 (xã An Toàn, huyện An Lão) đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

 Ảnh: HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn

Huyện Vân Canh có 106 hộ thuộc vùng DTTS thiếu đất sản xuất, không có đất sản xuất. Vì không có quỹ đất, trong giai đoạn 2021 - 2024, huyện không thực hiện giải quyết đất sản xuất cho dân. Trong khi đó, số hộ được chuyển đổi nghề trong năm 2022 - 2023 lại thấp (chỉ đạt 8,6% số hộ có nhu cầu), do thiếu kinh phí hỗ trợ của Trung ương và tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh, cho rằng quản lý Nhà nước về đất đai là lĩnh vực khó. Quy định cụ thể của pháp luật về đất đai được bổ sung, sửa đổi nhiều lần nhưng còn không ít nội dung chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về đất đai còn bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Tương tự, tại huyện Vĩnh Thạnh hiện còn 524 hộ không có đất sản xuất và thiếu đất sản xuất với diện tích đất cần phải giải quyết là 421,5 ha, nhưng huyện không thực hiện giao đất cho người dân vì không có quỹ đất. Tuy nhiên, đến nay huyện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 209 hộ với tổng kinh phí 2,09 tỷ đồng.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Qua giám sát, các hạn chế trong việc thực hiện giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2024 đã được các thành viên trong Đoàn giám sát chỉ ra và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, giúp cho các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất, giải quyết đất sản xuất cho người dân.

Đối với huyện An Lão, Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện rà soát lại quỹ đất địa phương quản lý, thực hiện thủ tục giao đất sản xuất cho người dân, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đối với 90% hộ nghèo DTTS, dân tộc Kinh sinh sống tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giúp công tác quản lý đất đai đảm bảo hơn.

Đối với huyện Vân Canh, Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm kê lại biến động đất đai trong nhân dân; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi nghề cho các hộ không có đất sản xuất. Phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép.

Trong khi đó, Đoàn giám sát đề nghị huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo cho các xã, thị trấn nắm chắc số hộ thuộc diện được thụ hưởng chính sách chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo định mức của UBND tỉnh quy định. Điều tra, thống kê thực trạng thiếu đất sản xuất của người dân, từ đó sớm xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phù hợp để giao đất cho dân. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai để cán bộ và người dân hạn chế tình trạng vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất trái phép.

Bà Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất, ổn định thu nhập và góp phần tạo sinh kế lâu dài nhằm giảm nghèo bền vững.

Theo bà Vân, để thực hiện chủ trương này đạt hiệu quả, có cơ sở thực hiện Luật Đất đai năm 2024, đề nghị các huyện cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chủ động rà soát, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Trên cơ sở đó thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp từ các tổ chức, cá nhân để tiếp tục xem xét, giao đất cho dân chưa có đất hoặc còn thiếu đất sản xuất theo quy định.

Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất do ban quản lý rừng, UBND xã quản lý; vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất, trồng trọt nhằm tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.     


Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật