Ngư dân Bình Định tiên phong đưa rác thải nhựa từ biển vào bờ
Hơn 2 tấn rác thải sinh hoạt đã được ngư dân Bình Định thu gom từ 200 tàu cá trong năm 2024. Đây là địa phương đầu tiên áp dụng quy trình khép kín đưa rác thải từ tàu cá vào bờ, góp phần bảo vệ môi trường biển hiệu quả, bền vững.
Ngày 13/4, tại Cảng cá Quy Nhơn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định phối hợp UBND TP Quy Nhơn và Ban Quản lý Cảng cá tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thực hiện mô hình thu gom rác thải nhựa sinh hoạt từ tàu cá đưa vào bờ trong năm 2024.
Ngư dân thu gom rác thải trong mỗi chuyến đi biển (ảnh: Ái Trinh).
Mô hình nằm trong khuôn khổ dự án "Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn", do UNDP tài trợ giai đoạn 2022-2024. Mục tiêu là giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và nâng cao nhận thức cho ngư dân.
Thí điểm trên 200 tàu cá ra vào các cảng Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan, mô hình đã thu gom hơn 2,3 tấn phế liệu, trong đó có 1,88 tấn nhựa và 420kg nhôm – vốn là rác thải từ sinh hoạt và bao bì thực phẩm trên biển.
Lượng phế liệu được thu gom tại Cảng cá Quy Nhơn là 1.600kg, trong đó, có 1.300kg nhựa chai và 300kg lon nhôm. Lượng phế liệu thu gom từ các cảng cá khác là 700kg (580kg nhựa và 120kg lon nhôm).
Không chỉ dừng lại ở việc thu gom, mô hình còn triển khai tuyên truyền sâu rộng, phát tờ rơi, bảng hiệu, ký cam kết với ngư dân, hỗ trợ túi lưới chuyên dụng, xây dựng nhà thu gom, khu phân loại, và lập đội thu gom rác thải nhựa tại cảng.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, đây là bước đi tiên phong trong bảo vệ môi trường biển, tạo tiền đề nhân rộng ra toàn quốc.
Được biết, mô hình nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá xả thải ra biển; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường biển; chống việc xả thải rác thải nhựa ra đại dương và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho khối lao động phi chính thức thông qua việc thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá.
Bình Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc đưa rác thải sinh hoạt từ tàu cá vào bờ theo quy trình khép kín.
Qua điều tra của ngành chức năng đối với 100 tàu cá thường xuyên ra vào Cảng cá Quy Nhơn, trong mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày, có hơn 1.300kg nhựa từ các loại chai nước uống và thực phẩm; gần 290kg từ các lon nước uống; hơn 580kg lượng nhựa các loại bao bì dùng để đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản.
Trung bình mỗi tàu cá xả gần 14kg nhựa sinh hoạt, 3kg nhôm, và 6kg nhựa bao bì trong mỗi chuyến đi biển.