|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

Thời gian qua, tỉnh Bình Ðịnh ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ những cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn, nhất là sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp

Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) Bình Định, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Lạc, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh đầu tư hệ thống máy ép dầu, máy chiết lọc dầu phộng với tổng kinh phí hơn 184 triệu đồng. Theo chị Hồng Lạc, sau 1 năm hoạt động, cơ sở sản xuất trung bình 27.200 lít dầu phộng/năm, lợi nhuận hơn 76 triệu đồng/năm. Từ ngày có hệ thống máy móc hiện đại, năng suất tăng cao, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường; cơ sở còn mở dịch vụ ép dầu thuê để tăng thu nhập.

Máy sấy lạnh vừa được HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân trang bị để sấy các mặt hàng nông sản của huyện Hoài Ân như: Tiêu xanh, trà, mít, chuối, khoai lang…  Ảnh: HẢI YẾN

Bà Đào Thị Thức, Giám đốc Công ty TNHH Spevi Food (Hoài Ân), kể: Nhờ sự hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, công ty mạnh dạn đầu tư thêm 387 triệu đồng trang bị hệ thống sấy, máy đùn bún, máy bón bột tự động, hệ thống vo gạo và xay xát gạo, máy cắt sợi bún cong... Với chuỗi thiết bị hiện đại, công ty phát triển một số sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường như: Bún bò Huế, bún tươi… với công suất 150 tấn sản phẩm/năm, doanh thu ước đạt 2,4 tỷ đồng. Từ hệ thống máy móc này, với các hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, công ty đều đáp ứng được về số lượng và tiêu chuẩn chất lượng. Ngày 20.10 vừa qua, công ty mới xuất 1 container trị giá 1 tỷ đồng đi Singapore.

Ông Lê Quốc Lập, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, chia sẻ: Ngay khi thành lập năm 2020, HTX định hướng phát triển sản xuất và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đầu năm đến nay, có 129 hộ dân tham gia liên kết với HTX, tiêu thụ hơn 470 tấn trái cây các loại. Để bảo quản, nâng cao giá trị nông sản ở huyện, HTX đầu tư máy sấy lạnh 400 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và XTTM Bình Định hỗ trợ 200 triệu đồng.

Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm OCOP thông qua hoạt động khuyến công như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thiết kế và in ấn thử nghiệm nhãn mác, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Tính đến tháng 10.2024, toàn tỉnh có 406 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó 44 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 362 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến công và XTTM Bình Định đã thực hiện 61 đề án khuyến công về hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông sản và sản phẩm OCOP với kinh phí hỗ trợ 6,88 tỷ đồng, chiếm 30% tổng kinh phí hỗ trợ. Trong đó, kinh phí của khuyến công quốc gia hỗ trợ 5 đề án với 1,3 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 56 đề án với 5,58 tỷ đồng.

Hoạt động hỗ trợ tập trung vào phát triển những sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm như: Bún khô, phở khô, mật ong, bưởi, ổi, mít, chè dây, đông trùng hạ thảo, yến sào…

Trong năm 2024, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và XTTM Bình Định đã phối hợp với phòng kinh tế các địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí 105 triệu đồng cho 3 cơ sở đầu tư xây dựng phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm; hỗ trợ 10 cơ sở thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng.

Nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ đã từng bước giúp các DN và HTX gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM Bình Định, cho biết: Thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP xây dựng nhiều kênh tiêu thụ; kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hỗ trợ nông dân kết nối với các DN chế biến, hệ thống bán lẻ, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.


Tác giả: HẢI YẾN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật