|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðiều chỉnh giờ vào lớp ở các trường học: Ðảm bảo sức khỏe cho học sinh, thuận lợi cho phụ huynh

Hiện nay, ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh, giờ vào lớp buổi sáng hoặc buổi chiều khá sớm. Ðiều này vừa tác động xấu đến sức khỏe của học sinh, khi ngủ không đủ giấc, bên cạnh đó, việc đưa đón của phụ huynh cũng bất tiện, ảnh hưởng đến công việc.

Trẻ ăn trên xe, ngáp trong giờ học

Hiện nay, hầu hết các trường có giờ học bắt đầu trước 7 giờ sáng, nhiều học sinh phải dậy từ 5 - 6 giờ sáng, để vệ sinh cá nhân, ăn uống. Bên cạnh đó, giờ vào lớp buổi chiều ở nhiều trường bắt đầu từ 12 giờ 15 phút hoặc 12 giờ 30 phút cũng gây ra nhiều bất tiện cho việc ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc của cả phụ huynh lẫn học sinh.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa hoặc các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao sẽ giúp học sinh cân bằng giữa việc học và chơi.

- Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước) hứng thú khi đọc sách, tham gia trò chơi yêu thích vào buổi chiều.  

Ảnh: HỒ ĐIỂM

 

hị Dương Thị Hương, có con học lớp 4, Trường Tiểu học số 1 Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), bày tỏ: “Tôi và chồng thay nhau đánh thức con dậy và đưa đón con đi học mỗi sáng. Tôi thấy thời gian học bắt đầu sớm, nhiều hôm con dậy đi học mà vẫn còn “lơ mơ”, tôi phải mua vội thức ăn nhanh, con vừa ngồi trên xe vừa ăn cho kịp giờ đến trường, nhìn rất thương”.

Nhiều trường tiểu học và THCS tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT 2018, tuy nhiên, thời gian bắt đầu và kết thúc ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh, khi phải sắp xếp thời gian đưa đón con. Cụ thể, giờ học buổi sáng từ 6 giờ 45 phút đến 10 giờ 20 phút, buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 20 phút; một số lớp chỉ học 2 tiết buổi chiều vào thứ Hai và thứ Tư, khiến giờ đón con rơi vào lúc 15 giờ 20 phút. Như vậy, nhiều phụ huynh làm việc theo giờ hành chính hoặc công nhân rất khó bố trí thời gian đưa đón con.

Anh Nguyễn Đình Nhân, làm việc ở một cơ quan nhà nước tại TP Quy Nhơn, chia sẻ: Theo quy định, giờ làm việc buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, nhưng nhiều hôm con tôi tan trường lúc 10 giờ 20 phút. Cả hai vợ chồng cùng làm cơ quan nhà nước, nếu tranh thủ về đón con rồi quay lại làm việc sẽ bị gián đoạn. Trong khi đó, cháu còn lại học lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh, phải có mặt tại trường từ 12 giờ 15 phút, tan làm buổi sáng là vợ tôi phải tất bật về lo cơm nước để con kịp ăn rồi đi học, khá vất vả.

Nên điều chỉnh giờ học phù hợp

Với giờ học được cho còn nhiều bất cập, không ít phụ huynh kiến nghị nên điều chỉnh thời gian hợp lý hơn, có sự phân bố phù hợp giữa lịch học và lịch sinh hoạt ngoại khóa, hoặc bổ sung các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, có như vậy, các con mới có thể tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP Quy Nhơn (đề nghị không nêu tên), đề xuất lùi giờ học buổi sáng là nhu cầu của đa số phụ huynh làm việc giờ hành chính. Trường cũng ghi nhận nhiều phụ huynh là công nhân phải đưa con đến trường từ rất sớm, khoảng 6 giờ sáng, để kịp giờ đi làm. Việc cùng một lúc phải thỏa mãn khung thời gian của nhiều nhóm phụ huynh khác nhau thật sự là không thể.

Liên quan đến những ý kiến phụ huynh về giờ học của các trường, ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho hay: TP Quy Nhơn là địa bàn có số lượng học sinh đông, nhưng hiện vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên. Nếu tính toán đến việc tổ chức các hoạt động tăng tiết, hoặc kéo dài thời gian học sinh ở lại trường thì phải có thêm nhân lực, phải có thêm kinh phí mới thực hiện được. Mới đây, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn đã chỉ đạo các trường tận dụng tối đa nguồn lực giáo viên để hỗ trợ các hoạt động buổi chiều, mặt khác, Phòng GD&ĐT báo cáo, kiến nghị với UBND thành phố để có thêm kinh phí bố trí cho các hoạt động.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT Tây Sơn, cho biết: Nếu lùi giờ học muộn hơn, các em học 4 tiết nhưng lại tan học trễ, ảnh hưởng đến giờ học buổi chiều. Ngoài ra, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, buổi chiều học sinh học không quá 3 tiết/buổi, nếu tăng tiết hoặc tổ chức các hoạt động kéo dài đến hết buổi chiều phải tính toán đến nguồn nhân lực và kinh phí hỗ trợ.

Việc điều chỉnh giờ học có tác động đến nhiều đối tượng phụ huynh, học sinh, do đó, nên chăng ngành Giáo dục có cuộc khảo sát để từ đó đưa ra khung giờ phù hợp nhất, dựa trên điều kiện cụ thể về nhân lực và cơ sở vật chất của từng trường, tạo sự hào hứng cho học sinh và giảm áp lực cho phụ huynh.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quang Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh, từng tham gia nhiều hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh tại Bình Định, chia sẻ: “Việc bắt đầu giờ học quá sớm, trước 7 giờ 30 phút, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em nói chung và sức khỏe về mặt tinh thần nói riêng. Trong độ tuổi tiểu học, việc “ăn - ngủ” là điều cực kỳ quan trọng. Nếu không được ngủ đủ giấc, trẻ có thể tham gia học tập với trạng thái mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ triền miên, thiếu sự tập trung, thậm chí có những rối loạn tâm lý. Thời gian ngủ đủ giấc của trẻ nên từ 9 - 12 giờ/ngày.

Do đó, thời gian học tập nên bắt đầu sau 7 giờ 30 phút sáng; nghỉ ngơi và ăn trưa sau 11 giờ; chiều nên nghỉ sau 16 giờ 30 phút “.


Tác giả: HỒ THỊ ĐIỂM
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật