Ông Lê Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Giải quyết việc nuôi con nuôi đúng pháp luật, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em
* Xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Luật Nuôi con nuôi?
- Thời gian qua, pháp luật về nuôi con nuôi ở nước ta góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, pháp luật về nuôi con nuôi đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi được quy định tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nuôi con nuôi cũng còn nhiều hạn chế như người dân không đi đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan chức năng nên không có cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền, lợi ích của người được nhận làm con nuôi, của cha mẹ nuôi. Ngoài ra, chưa có biện pháp tích cực để đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình ở trong nước; còn có xu hướng chạy theo lợi ích vật chất trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài…
Do đó, việc ban hành Luật Nuôi con nuôi sẽ tạo khung pháp lý thống nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em; khuyến khích, động viên, tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội trong giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mặt khác, Luật sẽ điều chỉnh thống nhất việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; tạo cơ sở pháp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng trong nước có mong muốn nhận con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi…
* Vậy tình hình nuôi con nuôi tại tỉnh ta trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Theo số liệu thống kê, từ năm 2003-2010, tỉnh ta đã giải quyết dứt điểm 260 trường hợp cho và nhận con nuôi; trong đó, 258 trường hợp trong nước; 2 trường hợp có yếu tố nước ngoài. Trong 260 trường hợp được nhận làm con nuôi, có 154 trường hợp là trẻ em nam và 106 trường hợp trẻ em nữ.
Từ khi thực hiện các nghị định: 158/2005/NĐ-CP, 68/2002/NĐ-CP và 69/2006/NĐ-CP của Chính phủ, việc cho và nhận con nuôi trong nước, con nuôi có yếu tố nước ngoài tại tỉnh ta được thực hiện đúng yêu cầu, trình tự của pháp luật; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đem lại lợi ích thiết thực cho người nhận và người được nhận làm con nuôi.
Tuy nhiên, việc cho và nhận con nuôi tại tỉnh ta vẫn còn không ít vướng mắc như một số trường hợp nhận trẻ em bị bỏ rơi để nuôi dưỡng nhưng không báo cho UBND cấp xã để làm thủ tục đăng ký; một số cô gái chưa lập gia đình nhưng có con riêng, sau đó, cho con của họ cho người khác nuôi nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không tới UBND xã đăng ký; một số trường hợp lợi dụng việc tìm mái ấm cho trẻ em để môi giới, làm giàu bất chính…
Luật Nuôi con nuôi gồm 5 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2011, với một số nội dung cơ bản như: Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi; biện pháp bảo đảm việc nuôi con nuôi trong nước; điều kiện của người được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài; việc cho phép đăng ký đối với nuôi con nuôi thực tế… |
* Để Luật Nuôi con nuôi thực sự đi vào cuộc sống, việc triển khai thực hiện Luật sẽ tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Để Luật Nuôi con nuôi được thực thi hiệu quả, giải quyết các thủ tục cho và nhận con nuôi đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật này và một số văn bản dưới luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân nhận trẻ em làm con nuôi, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành nhằm đảm bảo việc giải quyết nuôi con nuôi trên tinh thần nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn ngừa và xử lý các hành vi mua bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi.
* Cảm ơn ông.