A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở tỉnh ta luôn đạt mức tăng trưởng cao. Hiện ngành chức năng đang triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. P.V Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả SXNN ở tỉnh ta trong thời gian qua?

- Những năm qua, tỉnh ta đã tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu, ban hành các chính sách hỗ trợ về cây - con giống, kỹ thuật, vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và nông dân phát triển sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay đã hình thành nhiều cánh đồng chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất mía tại các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Vân Canh; vùng sản xuất mì ở các huyện Vân Canh, Phù  Cát, Phù Mỹ và một số địa phương khác… 

Qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 47 công thức luân canh cây trồng và nhân rộng được 210 cánh đồng cho thu nhập cao, với diện tích sản xuất 8.692 ha, đạt giá trị thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, cũng đã hình thành các vùng nuôi tôm thâm canh, quảng canh tại các huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn phục vụ chế biến xuất khẩu. Đồng thời, đã xây dựng các khu chăn nuôi gia súc tập trung và là tỉnh có đàn bò, đàn heo lớn, có chất lượng cao nhất, nhì khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Có thể nói, SXNN ở tỉnh ta đã có chuyến biến khá tích cực, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa khá phong phú, sản lượng ngày càng lớn, đời sống nông dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, SXNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thực tế cho thấy, các điều kiện về thời tiết, khí hậu, đất đai… ở tỉnh ta không thực sự thuận lợi cho SXNN. Quy mô sản xuất cũng còn nhỏ lẻ, phân tán. Tỉnh chưa quy hoạch sâu về các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, để sản xuất các sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Môi trường SXNN cũng đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi phương pháp canh tác hiện nay chưa bền vững; việc xử lý chất thải, rác thải chưa được quan tâm đúng mức. Việc nhân rộng các cánh đồng thu nhập cao ở một số địa phương còn thiếu tính bền vững. Hệ thống khuyến nông tuy đã được tăng cường, song năng lực hoạt động chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Mặt khác, đầu ra sản phẩm không ổn định, khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường, kỹ thuật canh tác, khả năng tài chính của nông dân còn nhiều hạn chế, nên hiệu quả kinh tế còn thấp; công nghệ phục vụ SXNN cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; mối quan hệ làm ăn giữa các DN và nông dân chưa thực sự khăng khít. Tất cả các yếu tố trên đã và đang tác động xấu đến sự phát triển SXNN ở tỉnh ta, hạn chế tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

* Vậy tỉnh ta phải làm gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, thưa ông? 

- Năm 2011, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… phù hợp hơn với tình hình mới. Bên cạnh quy hoạch, tỉnh ta cũng sẽ điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với yêu cầu thực tế; ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư vào SXNN, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất hàng hóa.

Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường nghiên cứu, lựa chọn các loại cây con mới có giá trị kinh tế cao để cung ứng cho nông dân; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ngành cũng tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để có thể thực hiện đạt yêu cầu các mục tiêu đề ra, từng bước đổi mới bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Nông dân xã Nhơn Tân (huyện An Nhơn) chăm sóc mía.

 

 

* Còn việc hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra cho nông sản thì sao, thưa ông? 

- Từ năm 2011, việc giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân sẽ thuận lợi hơn nhiều khi tỉnh ta thực hiện nhiều dự án trên lĩnh vực SXNN, trong đó có Dự án Sinh kế nông thôn và Dự án Cạnh tranh nông nghiệp. Nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án đã và đang được tỉnh ta sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ và chuyển giao các trang thiết bị cho nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh phục vụ cho sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, nhiều DN đã phối hợp với nông dân thành lập các liên minh sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng đã liên kết với nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn để cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho họ. Thực tế cho thấy, việc sản xuất và thu mua nông sản theo hợp đồng giữa DN và nông dân đã mang lại nhiều lợi ích cho cả DN và nông dân. Theo chúng tôi, quy hoạch phát triển SXNN theo hướng hàng hóa tập trung, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra cho nông sản là những giải pháp tốt thúc đẩy SXNN phát triển hiệu quả hơn.

* Xin cảm ơn ông!


Tin nổi bật Tin nổi bật