A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN: Nhiều hoạt động hỗ trợ nuôi trồng

Thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản (TTGTS) - thuộc Sở NN-PTNT tỉnh - đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao nhiều giống thủy sản mới, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong tỉnh.

TTGTS được Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản phục vụ cho ngành nghề NTTS trong tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị cho Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu (Phù Mỹ) và Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Phù Cát); đồng thời kiểm tra, giám sát tình hình NTTS trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định diện tích mặt nước lợ, mặn, ngọt; nhu cầu về chủng loại, sản lượng con giống của người dân… Trên cơ sở đó, Trung tâm đã xây dựng và thực hiện kế hoạch nuôi ương các loại con giống truyền thống; đồng thời nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm các loại giống thủy sản mới để cung ứng cho người dân.

Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, năng lực sản xuất các loại giống thủy sản của Trung tâm ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của người dân. Hàng năm, Trung tâm cung cấp hàng chục triệu con giống thủy sản các loại cho người NTTS trong tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp, người nuôi tôm ở nhiều địa phương đã chọn các đối tượng thủy sản như: cua xanh, cá dìa, cá rô phi… để nuôi xen nhằm giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Trung tâm đã đầu tư sản xuất các loại con giống nói trên để đáp ứng yêu cầu.

Con giống thủy sản do TTGTS tỉnh sản xuất và cung cấp đều đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh nên được người NTTS trong tỉnh tin dùng. Từ đầu năm đến nay, Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến đã sản xuất và cung ứng hơn 25.000 con cua giống; 570 ngàn con tôm sú giống và ương nuôi các loại cá giống: chẽm, dìa, mú… cung cấp cho người dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát và TP Quy Nhơn để nuôi xen với các đối tượng thủy sản khác. Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu sản xuất 51,46 triệu con cá bột và sản xuất hơn 10 triệu con cá giống nước ngọt các loại cung cấp cho người dân.

Việc nghiên cứu, sản xuất nhiều loại con giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao để chuyển giao cho người dân cũng đã được Trung tâm đặc biệt quan tâm, thông qua việc thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là các đề tài: “Nghiên cứu mùa vụ, địa điểm xuất hiện cá chình bột và xây dựng quy trình ương nuôi cá chình bột tại Bình Định”; “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương nuôi thương phẩm cá lăng nha tại Bình Định”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại Bình Định”. Hiện các loại thủy sản nói trên đã được đưa vào nuôi tại nhiều địa phương trong tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS III Nha Trang thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống bám đơn và thử nghiệm nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương và hàu muỗng tại Bình Định”. Hiện nay, Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến đã cho sinh sản và ương nuôi hơn 35.000 con hàu giống, cung cấp hàu giống bám đơn cho người dân thả nuôi tại đầm Đề Gi và xã Nhơn Lý.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc TTGTS tỉnh, cho biết: Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng hóa các đối tượng thủy sản phục vụ phát triển NTTS, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các loại giống thủy sản truyền thống; mở rộng sản xuất hàu giống và các đối tượng khác, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao quy trình sản xuất các loại giống thủy sản mới cho người dân, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nước, hạn chế dịch bệnh thủy sản nuôi, tăng hiệu quả đầu tư.


Tin nổi bật Tin nổi bật