Quy hoạch lại SVĐ Quy Nhơn: Giải bài toán cơ sở vật chất cho ngành thể thao
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH&TT đang tiến hành quy hoạch lại SVĐ Quy Nhơn, nhằm triển khai xây dựng nhà thi đấu, khu vực tập luyện, ăn ở của VĐV…
Trong khi chờ Khu liên hợp thể thao hình thành, đây được coi là giải pháp tạm thời nhưng cơ bản giải quyết được những tồn tại về cơ sở vật chất của ngành thể thao nhiều năm qua.
Nhiều công trình chắp vá, đội tuyển thiếu chỗ tập
Hiện nay, VĐV các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh tập trung tại 2 đơn vị là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh (33 HLV, 309 VĐV, 12 đội tuyển), Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định (10 HLV, 84 VĐV, 4 đội tuyển). Các đội tập luyện chủ yếu trong các cơ sở tại SVĐ Quy Nhơn. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ở từng giai đoạn, một số công trình như nhà thi đấu, hồ bơi, nhà tập luyện, nhà ăn, khu lưu trú VĐV... được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
Tuy nhiên, Nhà thi đấu thể thao tỉnh không còn phù hợp với quy mô, yêu cầu của một nhà thi đấu cấp tỉnh hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến Bình Định rất khó được chọn đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế.
Với cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, Sở VH&TT đã phối hợp với Cục TDTT và các liên đoàn thể thao đưa các giải đấu tổ chức ngoài trời, vừa phục vụ khán giả, vừa quảng bá tiềm năng du lịch biển Bình Định.
- Trong ảnh: Giải vô địch kickboxing trẻ toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Ảnh: K.VY
Bên cạnh một số bộ môn có địa điểm tập luyện cố định, nhiều đội tuyển như boxing, bóng ném, taekwondo... còn chưa có nơi tập phù hợp. Các HLV buộc phải linh hoạt, tận dụng những khoảng sân trống hoặc ra bãi biển để bố trí VĐV tập luyện. Đặc biệt, vào mùa mưa, khó khăn về địa điểm tập luyện càng trầm trọng, khi các đội không thể tận dụng các khu vực ngoài trời.
Khó khăn nhất là các đội bóng đá trẻ khi không có sân tập cố định. Do đó, các HLV buộc cho học trò tập trên mặt sân xi măng hoặc tập chạy quanh đường piste. Ông Đào Duy Khoa, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức thi đấu kiêm HLV đội bóng đá U17, cho biết: Trong 3 tháng cuối năm 2024, mỗi đội bóng đá trẻ được cấp kinh phí thuê sân cỏ để tập 2 buổi/tuần. Những ngày còn lại, các đội vẫn phải tận dụng nhà thi đấu, khoảng sân trống để tập.
Trong khi đó, phòng tập thể lực vẫn chưa được đầu tư. Ông Đinh Quang Đông, HLV đội tuyển taekwondo, cho biết: Để tăng cường sức mạnh cơ bắp, chúng tôi cho VĐV tập tạ 3 buổi/tuần. Hiện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh không có phòng tập tạ nên tôi phải cho các em ra tập ở các điểm dịch vụ. Với mức phí 20.000 đồng/em/giờ, mỗi tuần chúng tôi mất khoảng hơn 1 triệu đồng cho việc tập thể lực.
Đầu tư công trình có tính biểu tượng
Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu cho các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh đã được quan tâm từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực, các công trình thể thao quy mô vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Sau nhiều lần quy hoạch, tính toán, địa điểm xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh được xác định ở khu vực trong Khu kinh tế Nhơn Hội. Dù vậy, với một công trình có quy mô lớn, xây dựng trên diện tích hàng chục héc ta đòi hỏi kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, còn rất lâu nữa mới thành hình. Trong bối cảnh đó, ngành thể thao đang tính toán đến việc quy hoạch lại SVĐ Quy Nhơn để xây dựng các công trình bài bản hơn, đáp ứng nhu cầu tập luyện, sinh hoạt và thi đấu của các đội tuyển trong thời gian trước mắt.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu chia sẻ: Việc quy hoạch và đầu tư đồng bộ các hạng mục trong SVĐ Quy Nhơn sẽ đáp ứng được nhu cầu ăn ở, tập luyện, thi đấu của các đội tuyển thể thao tỉnh trong giai đoạn trước mắt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có điều kiện đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế. Địa điểm này là một phần quan trọng của lịch sử thể thao Bình Định, nơi nhiều thế hệ HLV, VĐV tập luyện và giành được những thành tích đáng tự hào về cho tỉnh nhà. Vì vậy, theo tôi, việc đầu tư công trình có tính biểu tượng này là rất phù hợp và cấp thiết.
Để việc quy hoạch, đầu tư bài bản, việc di dời 24 hộ dân với 134 nhân khẩu sinh sống trong khuôn viên SVĐ Quy Nhơn là cần thiết. Mới đây, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã tổ chức họp, lấy ý kiến các hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên SVĐ Quy Nhơn. Qua đó rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân thuộc diện di dời, trình Sở VH&TT báo cáo phương án đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo.
Sở VH&TT vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công trình Cải tạo, sửa chữa Trường Năng khiếu TDTT Bình Định thành Trung tâm tập luyện TDTT tỉnh. Qua đó, giải quyết được không gian tập luyện cho bộ môn boxing, taekwondo, bóng bàn và bố trí phòng tập thể lực. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16,3 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước do tỉnh quản lý. Thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2027.
Về nơi ở của VĐV, sau khi hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa công trình Cục Thuế tỉnh cũ (địa chỉ 236 Phan Bội Châu) thành ký túc xá cho VĐV (dự kiến trong tháng 10.2025), toàn bộ VĐV đang cư trú tại Trường Năng khiếu TDTT Bình Định và tại khán đài SVĐ Quy Nhơn về ở tại cơ sở mới.