Rượu cần An Lão sẵn sàng cho dịp Tết
Một mùa xuân mới lại về, không khí đón xuân đang tưng bừng, rộn ràng trên khắp các bản, làng của huyện vùng cao An Lão. Không khí ấy càng tất bật, rộn rã hơn khi bà con nơi đây đang hoàn tất các khâu cuối cùng của những ché rượu cần để kịp phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Là một trong những người có công “giữ lửa” cho rượu cần truyền thống, chị Đinh Thị Co, ở thôn 1, xã An Hưng đang cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị gần 300 ché rượu cần để kịp cung cấp trong dịp tết Nguyên đán này.
Theo chị Co, từ đầu tháng 10 âm lịch, nhiều thực khách trong và ngoài huyện đã bắt đầu đặt và mua rượu cần, sức mua càng tăng cao trong những ngày gần tết. Nếu như ngày thường mỗi ngày chỉ bán được năm, bảy ché thì vào tháng tết mỗi ngày chị bán được cả chục, thậm chí vài chục ché rượu các loại.
Cầm một số vật phẩm nấu rượu trên tay, chị Co cho biết: Đây là phần cơm đã trộn trấu, còn đây là ché để ủ rượu. Trước hết, mình phải bỏ một nắm trấu dưới ché, để khi mình bỏ cần vào uống thì không bị nghẹt. Sau đó cho cơm rượu vào là được rồi. Rượu cần được ủ bằng các loại lương thực như gạo, nếp nấu chín, để nguội, đánh tơi rồi trộn cùng với trấu và các loại men truyền thống. Ché được rửa sạch, phơi nắng xong mới dùng để ủ rượu. Thường các ché rượu cần có từ 3 lít, 5 lít hay 10 lít, sau 15 ngày ủ là có thể dùng được, tuy nhiên rượu cần để càng lâu thì nước cốt càng vàng sánh, thơm ngon hơn. Mỗi ché rượu được bán ra thị trường với giá từ 300 - 600 nghìn đồng, tùy theo kích cỡ ché.
Còn tại xã An Dũng, nhiều gia đình cũng đang tập trung ủ mẻ rượu cần mới để gửi đi cho khách. Ông Đinh Văn Khơi, ở thôn 2, xã An Dũng chia sẻ: tết Nguyên đán năm nào nhà tôi cũng ủ rượu cần nhưng nay lượng khách lại tăng đột biến, làm không kịp để bán. Đầu tháng 10 âm lịch, tôi đã ủ 100 ché rồi nhưng vẫn không đủ và đang tiếp tục nhận và làm thêm. Dù giá nguyên liệu tăng cao nhưng tôi vẫn đảm bảo chất lượng để cho ra ché rượu cần thơm ngon.
Không chỉ có gia đình chị Co, anh Khơi… mà còn có khá nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão nấu rượu cần, kiếm thêm thu nhập và bước đầu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy chưa tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhờ cách ủ truyền thống cùng với men rượu đặc trưng nên rượu cần của bà con rất được khách hàng gần xa ưa chuộng. Do đó, vào các dịp lễ hội, tết đến xuân về thì thị trường rượu cần lại càng nhộn nhịp, nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị đặt mua làm quà biếu, vui xuân đón tết.
Được biết, từ lâu, ché rượu cần đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của đồng bào vùng cao An Lão. Điều phấn khởi là những năm gần đây, tiếng vang của rượu cần truyền thống được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến. Bởi vì, tại các hội thi, hội diễn hay liên hoan văn hóa, văn nghệ, hình ảnh ché rượu cần luôn có mặt, góp phần quảng bá văn hóa rượu cần An Lão đến bạn bè gần xa.