|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa Luật Bảo hiểm y tế để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Tại các tổ thảo luận, cũng như thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, đồng thời đề nghị sửa đổi một số quy định để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Người dân làm thủ tục đăng ký khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội). (Ảnh LAN VŨ)

Theo đó, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế lần này là cần thiết để giải quyết các bất cập, hạn chế đã được nhận diện, hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người tham gia bảo hiểm y tế với cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu…

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế lần này sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), trên cơ sở thực tế và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, hiện có nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình cần phải được quan tâm. Do vậy, Dự thảo Luật xem xét, quy định nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hai nhóm đối tượng này từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn.

Nhóm đối tượng này đang được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế và mức đóng từng năm được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở. Tuy nhiên, vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30%, thì giá trị thẻ bảo hiểm y tế cũng tăng thêm 30%, đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm y tế phải chi từ tiền túi của họ tăng thêm 30% so với trước đây, tương đương 884.000 đồng/thẻ/năm thay vì trước đây chỉ mất 680.000 đồng/thẻ/năm. “Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức hỗ trợ từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế cho hai nhóm đối tượng nêu trên. Khi đó, chúng ta sẽ vừa đạt mục tiêu bao phủ tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng cũng vừa giảm bớt khó khăn cho đối tượng học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình”, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị.

Đối với nội dung bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, góp ý về việc bổ sung quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại khoản 9 Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia như dự thảo Luật Bảo hiểm y tế cơ bản phù hợp tâm tư, nguyện vọng của cử tri, là một trong những chính sách an sinh cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ cho nhân dân ở mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, cần có sự cân đối nguồn lực của ngân sách và quỹ bảo hiểm.

Góp ý vào Dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị sửa đổi khái niệm giám định bảo hiểm y tế; bổ sung quy định để giải quyết những vướng mắc về thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Ủy ban Xã hội của Quốc hội đều cho thấy, các vướng mắc trong công tác giám định bảo hiểm y tế, chủ yếu xuất phát từ các quy định của pháp luật về “đánh giá chuyên môn y tế” giao cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện, trong đó, Bộ Y tế cho rằng, khái niệm giám định trong Luật Bảo hiểm y tế hiện hành còn rộng so với bản chất của công tác giám định là tập trung vào kiểm soát chi phí, kiểm soát thanh toán...; giám định bảo hiểm y tế là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội để kiểm tra, rà soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế với các quy định của pháp luật bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh, làm cơ sở xác định chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết: Trên thực tế, đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành y tế nhưng giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài nhiều năm giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh, làm chậm tiến độ thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo Nguyên Khang (NDO)


Tin nổi bật Tin nổi bật