Tạo đột phá, phát triển đô thị bền vững
Đến thời điểm này, Bình Định có 20 đô thị, tốc độ đô thị hóa đạt 46,3%. Tỉnh điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình phát triển đô thị, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Quy hoạch đi trước
Với các quyết định quy hoạch của Trung ương và tỉnh, TP Quy Nhơn phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, trong đó Khu kinh tế Nhơn Hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong không gian tổng thể toàn khu vực. Các khu vực đô thị phát triển có cấu trúc mở, liên kết bằng hệ thống giao thông vùng, bố trí linh hoạt dựa trên đặc điểm tự nhiên và thế mạnh từng địa bàn. Các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, núi Vũng Chua và vùng nông nghiệp huyện Tuy Phước là bộ khung tự nhiên có vai trò cân bằng trong phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, thành phố đang định hướng quy hoạch không gian đô thị với các hành lang phát triển gồm khu vực cần quy hoạch mới, khu vực cần điều chỉnh, khu vực dự trữ phát triển và khu vực tôn trọng hiện hữu, để tạo tính tổng thể. Đặc biệt, khuyến khích tổ chức không gian tương tác, đi bộ trong không gian công cộng; các điểm nhấn không gian, cảnh quan, trục - tuyến động lực cho đô thị.
Ở phía Bắc tỉnh, giữ vai trò là trục đô thị quan trọng của khu vực, trong Chương trình hành động số 12-CTr/TU về đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, xây dựng theo hướng đạt chuẩn đô thị loại III, TX Hoài Nhơn ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội với hơn 32.000 tỷ đồng đầu tư cho 204 dự án.
“Các quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035, quy hoạch chung xây dựng 4 đô thị trung tâm (Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây) và quy hoạch phân khu cho các đô thị còn lại đã có đủ. Đây là cơ sở quan trọng để thị xã thu hút gần 30 dự án đầu tư với hơn 16.900 tỷ đồng tại các khu vực tiềm năng phát triển; tập trung mở rộng đô thị dọc tuyến QL 1, các khu vực ven biển, ven sông, hồ và tại 4 đô thị trung tâm”, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn thông tin.
Trong khi đó, nằm ngay cửa ngõ ra vào các tỉnh Tây Nguyên và trên hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, huyện Tây Sơn đang nỗ lực để trở thành đô thị mới cho cực tăng trưởng phía Tây tỉnh. Nói về mục tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024 và “lên thị” trước năm 2030, Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng cho biết, các đồ án quy hoạch xác định quy hoạch đô thị Tây Sơn trở thành đô thị du lịch, thương mại, dịch vụ và công nghiệp trên trục QL 19 với vùng Tây Nguyên. Huyện tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của đô thị, đẩy mạnh phát triển khu vực nội thị theo hướng đô thị hiện đại gồm 9 xã, thị trấn dự kiến trở thành phường; tiếp tục phát triển các vùng ngoại thị gồm 6 xã. 2 năm gần đây, huyện huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước đáp ứng yêu cầu các tiêu chí của đô thị loại IV.
Phát triển đô thị bền vững
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho hay, thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển đô thị để tạo động lực phát triển. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển, những tuyến đường kết nối các đô thị từ phía Tây về phía biển đã được thi công hoàn chỉnh. Đây là thế mạnh của tỉnh để thu hút nhà đầu tư, đồng thời mở rộng quỹ đất phát triển đô thị, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH trong tương lai. Cùng với đó, giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã phê duyệt các đồ án quy hoạch khu vực ven biển như khu vực phía Nam Đề Gi (huyện Phù Cát), quỹ đất dọc đường ven biển Đề Gi - Mỹ Thành, khu vực vịnh Quy Nhơn, khu vực biển dọc tuyến đường Quy Nhơn- Sông Cầu, nhằm định hướng cho phát triển KT-XH khu vực biển.
Bình Định cần tổ chức quy hoạch đô thị liên kết vùng theo trục hành lang biển. Ảnh: T.QUÂN
Với định hướng phát triển đô thị bền vững, tỉnh Bình Định xây dựng kế hoạch triển khai đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 cho hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn tại TX Hoài Nhơn và thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); xây dựng kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh; xây dựng 3 đô thị thông minh cho TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn, từ nay đến năm 2025… Đồng thời, chủ động kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách để tăng cường liên kết vùng đô thị, đặc biệt liên kết vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Theo Quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 bình quân 8% trở lên.
Để thực hiện mục tiêu này, TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, phải tổ chức quy hoạch KT-XH và đô thị trong chiến lược liên kết và hợp tác vùng đô thị dọc theo trục hành lang biển quốc gia, cùng với đặc thù đô thị riêng biệt của Bình Định. Đặc biệt, Khu kinh tế Nhơn Hội - Quy Nhơn sở hữu tiềm lực mạnh cho triển vọng xây dựng đô thị cảng biển cũng như khai thác mô hình kinh tế đêm. Khi thực hiện thành công mục tiêu kép này, bức tranh tổng thể của Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ được “thắp sáng”, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI, đón đầu sự tăng trưởng vượt bậc của lượng du khách trong nước và quốc tế, cũng như sự dịch chuyển dân cư và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, sinh sống, nghỉ dưỡng tại khu vực này.