Tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016
Ảnh minh họa.
Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các đợt không khí lạnh từ ngày 26/11 đến ngày 21/12/2015 tại khu vực tỉnh Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đã gây ngập úng diện tích lúa trên diện rộng ở các địa phương trong tỉnh, nhiều diện tích phải gieo sạ lại, một số diện tích bị trôi dạt, phải dặm tỉa lại để đảm bảo mật độ. Qua kiểm tra tình hình sản xuất ở các địa phương trong tỉnh cho thấy lúa Đông Xuân năm nay sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, thuận lợi cho các đối tượng chuột, ốc bưu vàng phát triển mạnh, sâu bệnh hại phát triển có xu hướng gia tăng.... Vì vậy, ngày 07/01/2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản về việc tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2015 – 2016.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp Ngành nông nghiệp triển khai chỉ đạo công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 đạt năng suất, sản lượng cao nhất.
1. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo:
- UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo chăm sóc, bón phân, phòng trừ chuột, ốc bưu vàng, sâu bệnh hại cây trồng vụ Đông Xuân có hiệu quả; theo dõi diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại trên đồng ruộng, hướng dẫn nhân dân tích cực áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho lúa Đông Xuân trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường theo hướng dẫn của Ngành nông nghiệp. Thực hiện bón phân theo phương châm “nặng đầu nhẹ cuối, bón phân cân đối NPK, không bón phân đạm đơn độc, tăng cường bón phân kaly và phân lân để phòng chống rét cho lúa Đông Xuân có hiệu qủa. Hướng dẫn, tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng chuột, ốc bưu vàng, các loại sâu bệnh gây hại chủ yếu trên lúa giai đọan làm đòng - trỗ: bệnh đạo ôn, rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm... theo thông báo của Chi cục Trồng trọt- BVTV ngay khi mới bắt đầu phát sinh cục bộ trên đồng ruộng, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt- BVTV phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn và phân công cán bộ đứng chân ở địa bàn, theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa và phát sinh gây hại của các đối tượng chuột, ốc bưu vàng, sâu bệnh hại để kịp thời hướng dẫn nhân dân chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại có hiệu quả.
2. Chi cục Trồng trọt- BVTV tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, dự tính dự báo, thông báo kịp thời, chính xác tình hình phát sinh và diễn biến các loại sâu, bệnh hại, đồng thời có các giải pháp phòng trừ cụ thể để các huyện, thị xã, thành phố biết chủ động lập kế hoạch tổ chức, hướng dẫn nhân dân phòng trừ đạt hiệu quả cao.
Phân công cán bộ đứng chân, phối hợp Phòng Nông nghiệp/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến, phát sinh của các đối tượng chuột, ốc bưu vàng, sâu bệnh hại và hướng dẫn phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, thuốc BVTV để chủ động phòng trừ và dập dịch ngay khi rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh mới phát sinh cục bộ, không để dịch bệnh lây lan phát sinh ra diện rộng.
3. Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư chủ động phối hợp Đài Phát thanh truyền hình, Chi cục Trồng trọt- BVTV thông tin, hướng dẫn kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh trên đồng ruộng; tăng cường thời lượng hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng chống rét, phòng trừ chuột, ốc bưu vàng, đạo ôn, rầy các loại... bảo vệ lúa Đông Xuân trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân biết, thực hiện.
4. Đối với cây trồng cạn như ngô, lạc, sắn, mía, rau màu các loại cần tranh thủ thời tiết nắng ráo, đất còn đủ ẩm tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, phấn đấu gieo trồng đạt và vượt diện tích kế hoạch đề ra./.
Đinh văn Toại (Nông nghiệp và PTNT Bình Định)