Tập trung nhiều giải pháp cho sản xuất vụ Đông Xuân
Tập trung nhiều giải pháp cho sản xuất vụ Đông Xuân - Ảnh minh họa
Dự báo tình hình
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Vụ ĐX là vụ sản xuất chính trong năm và cũng là vụ sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, lạnh, các loại sâu, bệnh nhất là chuột, rầy nâu, đạo ôn thường phát sinh gây hại nặng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất… Đáng chú ý là đến nay mực nước tại các hồ chứa nước lớn còn ở mức thấp, hiện đã có 138/162 hồ đã cạn nước. Hiện Công ty Khai thác CTTL quản lý 15 hồ, tích được 94/458 triệu m3 chỉ đạt 21% so với dung tích thiết kế; 147 hồ chứa do các địa phương quản lý còn 11/117 triệu m3, thấp hơn 36% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Đài KTTV Bình Định, mưa toàn mùa ĐX 2015 – 2016 ở mức thấp hơn TBNN khoảng 30 – 50%, một số nơi lượng mưa còn thấp hơn. Như vậy, khả năng sẽ xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng trên địa bàn tỉnh trong năm 2016. Do đó, tỉnh ta cần phải xem xét, tính toán kỹ các phương án ứng phó các tình huống có thể xảy ra; xây dựng lịch thời vụ gieo sạ hợp lý, đẩy mạnh chuyển đổi cơ câu cây trồng, tiết kiệm nguồn nước chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất.
Ngoài ra, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, vụ ĐX được dự báo có nhiều nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại cho cây trồng. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV), chuột sẽ phát triển và gây hại diện rộng từ đầu đến cuối vụ và tập trung nặng nhất giai đoạn lúa đẻ nhánh; sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ có từ 3 đến 4 đợt ra rộ gây hại cho lúa ĐX. Kèm theo đó là các loại bệnh như đào ôn, bệnh vàng lá sinh lý, đóm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt…cũng sẽ phát sinh mạnh và gây hại lúa giai đoạn làm đòng – chín.
Triển khai nhiều giải pháp cho mùa vụ mới
Trước tình hình được dự báo cho vụ sản xuất ĐX, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN và chính quyền các địa phương tập trung triển khai nhiểu biện pháp, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về lịch thời vụ, cơ cấu giống, các biện pháp bảo vệ cây trồng và vật nuôi.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành NN đã lên kế hoạch chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho vụ ĐX. Trước mắt, về lịch thời vụ cho vụ ĐX, đối với chân 3 vụ tiến hành gieo sạ từ 25.11 đến 5.12.2015, đối với chân 2 vụ gieo sạ từ 10.12-25.12. Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ đặc điểm, thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, lấy mốc thời điểm cho lúa trỗ tránh được điều kiện bất lợi của thời tiết để bố trí thời điểm gieo sạ phù hợp cho từng vùng, từng điều kiện cụ thể. Về cơ cấu giống, trên chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm sử dụng giống chủ lực ĐV 108, VĐ8, ĐB6, VTNA 2, TBR36, OM7347, Q5; trên chân ruộng sản xuất 3vụ/năm với giống chủ lực ĐV 108, VĐ8, TBR 36, PC6, KD28, OM7347, Q5.
Ngành NN tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp, gieo sạ với mật độ phù hợp; tổ chức ra quân diệt chuột ngay trong mùa mưa (cao điểm tháng 11-12); vệ sinh đồng ruộng, làm đất, cày ngâm đúng quy trình để hạn chế sâu bệnh. Về xây dựng CĐL, CĐML cần chú trọng mở rộng xây dựng CĐML theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; các địa phương vận dụng chính sách và khuyến khích doanh nghiệp liên kết với HTX…
Đối với các giải pháp đảm bảo cấp nước vụ ĐX, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi đã và đang tu bổ các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng; phối hợp với các địa phương kiểm tra, sửa chữa ngay các hư hỏng đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình do Công ty quản lý, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất… Chi cục BVTV phối hợp với các ban, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra tình hình sâu bệnh, dự báo sâu bệnh gây hại và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ cụ thể, hợp lý.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đẩy mạnh Chương trình cải tạo giống và lai tạo giống thịt chất lượng cao. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đàn gia súc, gia cầm nhập tỉnh; tiếp tục tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác cho gia súc, gia cầm.
Các hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần QĐ 48/2010, NĐ 67/2014 của Chính phủ và Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho nông, ngư dân đầu tư phát triển sản xuất.
Nguyễn Thị Thanh