|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên phải nghĩ lớn, mạnh dạn làm, tạo đột phá

Ðó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị đối thoại với 200 đoàn viên, thanh niên, được UBND tỉnh tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh ngày 20.3.

Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Trong không khí cởi mở, dân chủ, các ĐVTN đã có 12 lượt ý kiến, xoay quanh các vấn đề trọng tâm: Công tác cán bộ trẻ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp; chuyển đổi số, cải cách hành chính và các chính sách phát triển KT-XH của tỉnh…

Quang cảnh hội nghị đối thoại

tham gia ý kiến, chị Trần Thị Huyền, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), nêu thực tế, nhiều thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được hưởng các chế độ theo quy định; song, các bạn lại rất khó khởi nghiệp, lập nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ các bạn điều kiện phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Phụng, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể cho người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có đối tượng thanh niên là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương.

Ngoài ra, để khuyến khích thanh niên xuất ngũ tham gia học nghề, Sở còn phối hợp với các đơn vị tuyên truyền cho thanh niên trước khi ra quân. Cùng với đó, Nhà nước có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, các nguồn ủy thác qua Ngân hàng CSXH giúp thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế, lập nghiệp tại địa phương.

Còn anh Nguyễn Hữu Huy, Bí thư Đoàn thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), đặt vấn đề: “Học sinh, sinh viên rất quan tâm đến việc lựa chọn học các ngành nghề về công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhưng ngại khó xin việc tại tỉnh. UBND tỉnh có định hướng, cơ chế gì để thu hút ĐVTN sau khi ra trường có việc làm về ngành nghề này tại tỉnh?”.

Theo ông Đặng Văn Phụng, công nghệ thông tin được UBND tỉnh xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, Chính phủ, tỉnh đang thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên cả ba trụ cột “Chính phủ số – Kinh tế số – Xã hội số”, với khát vọng đưa tỉnh trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất thế giới.

“Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng đối với các ngành nghề công nghệ thông tin rất lớn, không chỉ trong các DN mà còn trong các cơ quan quản lý nhà nước nên sẽ có nhiều sự lựa chọn việc làm cho các ĐVTN sau khi học ra trường trở về tỉnh làm việc”, ông Phụng nhấn mạnh.

Số hóa trên mọi lĩnh vực

Số hóa trên các lĩnh vực là nội dung được nhiều thanh niên quan tâm tại buổi đối thoại. Xuất phát từ thực tế những đợt vận động, tuyên truyền người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là người lớn tuổi ở khu vực nông thôn gặp khó khăn, anh Phạm Hồng Danh, Bí thư Xã đoàn Canh Thuận (huyện Vân Canh), mong muốn UBND tỉnh đưa ra những giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, giúp họ làm quen với việc số hóa thủ tục.

Ông Lê Ngọc An, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết thời gian qua UBND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp cụ thể thúc đẩy cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, như: Nghiên cứu, tham mưu kế hoạch mang tính tổng thể để thúc đẩy, phổ biến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tập trung triển khai hiệu quả các đề án liên quan đến công tác giải quyết TTHC, đẩy mạnh mô hình “Hành chính phục vụ người dân”.

“Để số hóa TTHC thực sự hiệu quả, ĐVTN với vai trò là lực lượng tiên phong, xung kích đi đầu cần nỗ lực hơn nữa trong khâu tuyên truyền, hỗ trợ người dân vùng nông thôn, miền núi, người lớn tuổi – vốn khá lạ lẫm với công nghệ số”, ông An đề nghị.

Bày tỏ sự quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc trong thời đại 4.0 nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ, anh Huỳnh Minh Khoa, Phó Bí thư Chi đoàn Sở KH&ĐT, cho rằng UBND tỉnh và các ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể.

Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Thị Anh Thảo, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”. Ngành văn hóa cũng số hóa hệ thống tư liệu, hiện vật trưng bày, hỗ trợ du khách truy xuất thông tin trực tiếp bằng phần mềm quét mã QR tại các bảo tàng; hướng đến mô hình hóa điện tử tư liệu, hiện vật bằng công nghệ tương tác 3D…

Để thanh niên cáng đáng tốt công việc

Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận và cảm ơn những ý kiến, đề xuất tâm huyết của ĐVTN trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, điều kiện tiên quyết để phát triển chính là yếu tố con người. Vì vậy, các ĐVTN cần phải ra sức học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn; phải nghĩ lớn, mạnh dạn làm, tham mưu để tạo ra cách làm mới, đột phá trên tinh thần vì lợi ích chung của quê hương, đất nước.

“Tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách “mở” để thu hút thanh niên sau khi tốt nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng bài bản để thanh niên trưởng thành, có thể cáng đáng tốt các công việc, nhiệm vụ được giao; ưu tiên nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp; định hướng nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi… nhằm tiếp sức, tạo động lực để các bạn trẻ phấn đấu, thực hiện khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng”, đồng chí Phạm Anh Tuấn nói.

Nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề có tính định hướng, cũng như bố trí việc làm cho thanh niên.

Ngoài ra, đồng chí Phạm Anh Tuấn đề nghị Tỉnh đoàn cần làm việc kỹ với Văn phòng UBND tỉnh để cung cấp thông tin về tình hình KT-XH cho thanh niên. Để tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, cần phối hợp với các sở, ngành liên quan định hướng, đào tạo nghề, bố trí hoặc liên hệ tìm việc cho ĐVTN, hỗ trợ các mô hình kinh tế của ĐVTN…


Tác giả: CHƯƠNG HIẾU – DƯƠNG LINH
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật