A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tích hợp dự phòng và kiểm soát sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là mối lo ngại nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, việc đưa vắc xin phòng bệnh vào sử dụng là một bước tiến quan trọng, góp phần kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này.

An tâm hơn khi có vắc xin
Gần đây, việc triển khai tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengue (SXH) tại hệ thống tiêm chủng VNVC đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Tại VNVC Quy Nhơn, anh Đỗ Khoa Tân (45 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đã đến tiêm mũi đầu tiên vắc xin Qdenga. Anh chia sẻ rằng, dù chưa từng mắc SXH, nhưng sau khi tìm hiểu thông tin, anh quyết định tiêm vắc xin sớm nhất có thể để phòng bệnh.

Người dân tiêm vắc xin phòng SXH tại VNVC Quy Nhơn ngày 18.10.  Ảnh: M.H

Thông tin có vắc xin ngừa bệnh SXH khiến nhiều người tìm đến VNVC để tiêm phòng. Chị N.T.N (TP Quy Nhơn) cho biết: SXH là bệnh dễ mắc phải, đôi khi chỉ vì bất cẩn một chút. Vì thế khi biết đã có vắc xin phòng ngừa bệnh này, tôi liền đưa hai con đến tiêm. Tương tự, ông Nguyễn Quang Triệu (66 tuổi, ở TP Hòa Bình) đang trong chuyến công tác tại Bình Định cũng tranh thủ đến tiêm vắc xin. Ông Triệu chia sẻ: Mùa mưa là thời điểm SXH dễ bùng phát, mắc bệnh nhất, vì vậy tôi quyết định tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh.
Theo bà Cao Thị Thùy Dung, Giám đốc VNVC phụ trách Bình Định, hệ thống VNVC là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vắc xin phòng SXH do Takeda (Nhật Bản) sản xuất. Vắc xin này phòng đầy đủ 4 chủng vi rút gây bệnh SXH gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Từ cuối tháng 9.2024, VNVC đã triển khai tiêm vắc xin SXH tại hơn 200 trung tâm trên toàn quốc, trong đó có 3 trung tâm tại Bình Định. Các nghiên cứu cho thấy vắc xin của Takeda có hiệu quả phòng bệnh hơn 80% và ngăn ngừa nhập viện đến 90%, đặc biệt có khả năng phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH.
“Chỉ sau gần một tháng triển khai, VNVC đã tiêm và nhận đặt giữ hàng chục nghìn mũi vắc xin SXH trên cả nước, cho cả trẻ em và người lớn. Tại Bình Định, các trung tâm của chúng tôi đã ghi nhận hàng nghìn mũi tiêm. Nhiều khách hàng sau khi tiêm mũi đầu đã đăng ký trước liều thứ hai để đảm bảo phòng bệnh hiệu quả”, bà Dung cho biết. Bác sĩ Lê Trung Hiếu tại VNVC Bình Định cũng khẳng định vắc xin có tác dụng bảo vệ cao, đặc biệt đối với những người từng mắc bệnh, giúp phòng tái nhiễm.
Không chủ quan
Mặc dù vắc xin phòng SXH đã mang lại thêm sự lựa chọn phòng bệnh cho người dân, nhưng không nên chủ quan. Theo Sở Y tế Bình Định, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.411 ca mắc SXH tại 11 huyện, thị xã, thành phố, và xử lý 187 ổ dịch. Số ca mắc tăng 26%, số ổ dịch tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số hơn 800 bệnh nhi nhập viện tại BVĐK tỉnh, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết, số ca nặng có biến chứng sốc đang gia tăng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cũng nhận định rằng, SXH là bệnh lưu hành tại Bình Định và có xu hướng tăng vào mùa mưa cuối năm. Việc triển khai tiêm vắc xin sẽ giúp giảm số ca mắc và bệnh nặng, nhưng vẫn cần phải kết hợp với các biện pháp kiểm soát côn trùng truyền bệnh, vì vắc xin chỉ mới được sử dụng dịch vụ và chưa phủ rộng toàn dân.
Hiện nay, Bình Định đang trong cao điểm mùa mưa, nguy cơ dịch SXH tăng cao. Ngành Y tế tỉnh cùng các địa phương đang triển khai các giải pháp đồng bộ, như duy trì hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại các ổ dịch, giám sát và phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng, đồng thời tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các khu vực nguy cơ cao nhằm kiểm soát dịch hiệu quả.


Tác giả: MAI HOÀNG
Nguồn:Báo Bình Định Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật