Trợ lực cho công nghiệp nông thôn
Với các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, thiếu vốn, thiếu định hướng phát triển là bài toán nan giải. Năm 2023, đề án khuyến công địa phương của tỉnh hỗ trợ 20 doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn này, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhằm hỗ trợ Công ty TNHH Tôn thép Trung Tín (huyện Tây Sơn) sớm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ DN này 200 triệu đồng. Nhờ đó Công ty có thêm điều kiện để đầu tư 756 triệu đồng mua 1 máy cán tôn 2 tầng 11 sóng vuông, 1 máy xả cuốn tự động sản xuất tôn màu các loại.
Công ty TNHH Tôn thép Trung Tín (huyện Tây Sơn) đầu tư máy cán tôn tự động. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Đặng Trung Tín, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau khi lắp đặt, chạy thử, Công ty đã sản xuất được 15.000 m tôn màu các loại đạt chất lượng khá tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ước tính chúng tôi sẽ sản xuất được trên 80.000 m tôn/năm, lãi khoảng 144 triệu đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng và dự kiến trong 36 tháng sẽ thu hồi vốn đầu tư.
Tương tự, được nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ, Công ty TNHH Nhân Hòa (TX Hoài Nhơn) đã đầu tư 628 triệu đồng lắp đặt 1 dàn máy tráng bánh tráng, công suất 500 kg gạo/giờ. Việc đồng bộ dàn máy này với dây chuyền sấy bánh tráng có sẵn sẽ nâng cao năng lực sản xuất của hệ thống, dự kiến DN sẽ sản xuất được 150 tấn sản phẩm/năm.
Phần vốn hỗ trợ của khuyến công quốc gia rõ ràng đã tiếp sức, tạo động lực để cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong tỉnh phát triển, nâng cao năng lực sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, được các cơ sở CNNT đánh giá rất cao.
Ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở sản xuất cà phê trà Cazin (huyện Vân Canh), chia sẻ: Trong 2 năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, cơ sở sản xuất cà phê và trà ở miền núi của tôi có cơ hội để thay đổi dây chuyền sản xuất, đầu tư thêm máy móc nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng. Cụ thể, chúng tôi đầu tư máy rửa thảo dược, máy sấy, hệ thống dây chuyền đóng gói túi lọc để tạo ra khá nhiều sản phẩm trà thảo dược như tía tô, rau má, sâm bố chính, trà dung… Nhờ đó vừa tăng được năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Để giúp các cơ sở CNNT nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các cơ sở trong tỉnh đến người tiêu dùng. Trung tâm tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên đề để các cơ sở tham gia. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và Làng nghề Bình Định 2023; Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa năm 2023…
Theo Sở Công Thương, năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt 20 đề án khuyến công sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương với tổng kinh phí 2,84 tỷ đồng. Trong đó, 2,42 tỷ đồng được hỗ trợ cho 16 đề án, gồm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHKT vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Phần kinh phí còn lại dùng để xây dựng các chương trình thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực hoạt động khuyến công.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định, thời gian qua, hoạt động khuyến công tạo động lực khuyến khích các cơ sở CNNT đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho các cơ sở CNNT; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển một số sản phẩm mới. Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công, phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.