TRUNG TÂM QUỐC TẾ KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC LIÊN NGÀNH KÝ KẾT HỢP TÁC VỚI LIÊN MINH NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI
Ngày 11.5, tại Geneva (Thụy Sĩ), Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng và phát triển cầu nối giữa chính sách, khoa học. Tại đây, ICISE và IPU thống nhất nâng cao các khuôn khổ, cơ chế và xây dựng năng lực trong các dự án hợp tác chung, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
GS Trần Thanh Vân, đồng sáng lập, Giám đốc ICISE (người ngồi bên phải) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng và phát triển cầu nối giữa chính sách, khoa học với IPU. Ảnh: TTXVN/ICISE
Việc hợp tác giữa 2 bên nhằm hiện thực hóa các mục tiêu: Tăng cường quan hệ đối tác giữa IPU và ICISE để góp phần đạt được mục tiêu chiến lược chung của cả hai tổ chức. Đẩy mạnh các công cụ và cơ chế ngoại giao khoa học nghị viện đa phương thông qua Nhóm công tác về KH&CN của IPU như một phương tiện giúp giảm bớt căng thẳng và tranh chấp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại. Hành động chung cụ thể có thể được khởi xướng bởi các cơ quan có thẩm quyền của hai tổ chức, với mục đích tổng thể là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực KH&CN đón đầu, nhằm phát triển các giải pháp toàn cầu và toàn diện cho một tương lai bền vững.
GS Trần Thanh Vân, đồng sáng lập và là Giám đốc ICISE, chia sẻ: “ICISE cam kết thúc đẩy quản trị tốt và lòng tin, vì các giá trị khoa học của minh triết và minh bạch đóng vai trò là ngôn ngữ chung hỗ trợ ngoại giao nghị viện. Với thỏa thuận được ký kết, tôi hy vọng rằng một số sáng kiến kết hợp thế mạnh của cả hai tổ chức có thể mở ra sức mạnh hợp tác giữa cộng đồng khoa học và hoạch định chính sách để phụng sự lợi ích công”.
Đoàn công tác của ICISE trong chuyến công tác tại Thụy Sĩ để ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng và phát triển cầu nối giữa chính sách, khoa học với IPU. Ảnh: TTXVN/ICISE
Đại sứ Mokhtar Omar, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký IPU, khẳng định: “Việc ký kết thỏa thuận này đánh dấu một cột mốc trọng đại trong quá trình hợp tác của 2 bên và là minh chứng cho mục tiêu và tầm nhìn chung của 2 tổ chức”.
Theo biên bản ghi nhớ, dự án hợp tác chung đầu tiên sẽ được khởi động vào tháng 7.2023 khi ICISE đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị viện Khoa học vì hòa bình của IPU tại TP Quy Nhơn. Các nghị sĩ và chuyên gia quốc tế đến từ nhiều nước sẽ nhóm họp trong 3 ngày để thảo luận về các chủ đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước vốn đang là thách thức nổi cộm của thế giới hiện nay. Các phiên họp được kỳ vọng sẽ cung cấp kiến thức và khuyến khích các nghị sĩ suy nghĩ về khoa học đằng sau an ninh nước, cũng như xây dựng điều kiện cần thiết cho phép những người tham gia đưa ra các giải pháp năng động và sáng tạo bằng cách kết nối các cá nhân thông qua những giá trị khoa học và hợp tác. Sự kiện quan trọng này nhằm tạo tiền đề cho một hội nghị nghị viện toàn cầu về an ninh nước, thiết lập nhu cầu về một mạng lưới nghị viện về nước và các công cụ nghị viện cho luật pháp quốc tế, khu vực và quốc gia liên quan đến an ninh nước.
Các đại biểu ICISE và IPU trao đổi các thông tin bên lề trước khi bước vào lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng và phát triển cầu nối giữa chính sách, khoa học. Ảnh: TTXVN/ICISE
ICISE là một tổ chức khoa học và giáo dục độc đáo đóng tại thành phố Quy Nhơn. Được ủy quyền bởi Hiệp hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của hai nhà sáng lập là GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, ICISE hoạt động với mục tiêu trở thành điểm đến của các nhà khoa học từ các nước phát triển và đang phát triển trên khắp thế giới, đồng thời phát triển các dự án thúc đẩy văn hóa và giáo dục. Mỗi năm, ICISE tổ chức 10 - 12 hội nghị khoa học quốc tế cấp cao. Từ các nhóm ngành nền tảng hay khoa học ứng dụng, chủ yếu trong lĩnh vực Vật lý, ICISE sẽ mở rộng quy mô hoạt động để phát triển thêm các dự án thuộc lĩnh vực sinh học, y học, khoa học xã hội và nhân văn.
IPU là một tổ chức toàn cầu tập hợp đại diện của nghị viện các quốc gia có chủ quyền, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. IPU được thành lập vào năm 1889 và là diễn đàn thường trực đầu tiên cho các cuộc đàm phán đa phương về chính trị. Các nghị viện quốc gia của 179 quốc gia là thành viên của IPU và 14 hội nghị viên là thành viên liên kết. IPU có sứ mệnh thúc đẩy ngoại giao nghị viện và trao quyền cho các nghị viện và nghị sĩ nhằm thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững trên khắp thế giới.