Xây dựng dữ liệu đất đai phục vụ chuyển đổi số
Thời gian qua, UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai; lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành TN&MT tỉnh đã và đang hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh (thuộc Sở TN&MT), từ năm 2009, UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống hồ sơ quản lý đất đai (dự án VLAP). Trong đó, thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai tại 60 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát và An Lão. Các địa phương còn lại Sở TN&MT đang chờ chủ trương của tỉnh và chờ bố trí kinh phí để triển khai.
Đồng thời, xây dựng CSDL địa chính và tích hợp CSDL cấp tỉnh tại 5 huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, An Lão và Tây Sơn. Đến nay, đã đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL địa chính cho 75 xã, thị trấn tại 5 huyện này. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, đã tổ chức đo đạc, lập hồ sơ địa chính tại một số xã, thị trấn thuộc địa bàn TP Quy Nhơn và huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Giáo, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, cho biết: “13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện dự án VLAP. Nhờ đó, CSDL địa chính tại các địa phương tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi trong quản lý đất đai cũng như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
Ngành TN&MT tỉnh đã và đang hoàn thiện xây dựng CSDL đất đai để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số.
- Trong ảnh: Một góc Khu đô thị An Phú Thịnh, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LỰC
Từ năm 2016, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tiến hành đấu nối mạng số liệu chuyên dùng của 11/11 chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện để quản lý và vận hành CSDL đất đai theo mô hình tập trung. Ngoài ra, đơn vị này phối hợp với VNPT Bình Định triển khai hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT-iLIS kết nối, tích hợp với ứng dụng quản lý trước bạ nhà đất của cơ quan thuế (liên thông thuế điện tử) và kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
“Đến nay, CSDL tỉnh đã tích hợp 75/159 xã, phường, thị trấn được quản lý và vận hành sử dụng trên phần mềm VNPT-iLIS; tạo thuận lợi, tiện ích trong công tác quản lý, giải quyết các thủ tục về đất đai trên nền tảng số”, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cho hay.
Còn theo ông Huỳnh Phúc Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), đơn vị đã triển khai vận hành hệ thống thông tin quản lý CSDL đất đai trên phạm vi toàn tỉnh. Hệ thống đã kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin của CSDL đất đai với hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia qua trục tích hợp LGSP của Bộ TN&MT.
Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện thu thập, chuẩn hóa các thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tổng hợp, cập nhật các loại bản đồ địa chính, hiện trạng, quy hoạch còn tồn tại và khi có biến động phát sinh. “Việc này nhằm phát triển, hoàn thiện và nâng cao CSDL dùng chung của ngành; tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, phát triển KT-XH số; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho người dân”, ông Nguyên cho biết thêm.
Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, tới đây, Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CSDL đất đai nói riêng và CSDL chuyên ngành nói chung. Qua đó, tổng hợp, xây dựng tích hợp CSDL đất đai phục vụ công tác quản lý thông tin người sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua CSDL quốc gia về dân cư. Phấn đấu 100% dữ liệu lĩnh vực TN&MT được cập nhật vào CSDL dùng chung của tỉnh; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp ở hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.