Xây dựng phố đi bộ Quy Nhơn để phát triển du lịch
UBND tỉnh vừa thông qua Ðề án Phố đi bộ Quy Nhơn cuối tháng 2.2024. Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Bình Ðịnh, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, khẳng định phố đi bộ là không gian công cộng không thể thiếu đối với đô thị Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam
* Cụ thể, Phố đi bộ Quy Nhơn sẽ được tổ chức có những gì, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Thành ủy Quy Nhơn, thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Đề án tổ chức Phố đi bộ Quy Nhơn trình tỉnh. Đến nay, đề án đã được các cấp thẩm quyền thông qua và cho chủ trương triển khai thực hiện. Hiện, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh để ban hành đề án chính thức và chỉ đạo bố trí vốn, danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng cho phố đi bộ.
Có thể thấy, điểm chung của hầu hết thành phố du lịch nổi tiếng là không gian công cộng, phố đi bộ luôn được chú trọng xây dựng, đầu tư bài bản. Chúng tôi xây dựng phương án phố đi bộ Quy Nhơn gồm 3 tuyến phố: Nguyễn Thiếp, Nguyễn Lạc - Trần Độc, Đô Đốc Bảo.
Trong đó, tuyến phố Nguyễn Thiếp kết nối với Quảng trường Nguyễn Tất Thành cùng bãi biển được quy hoạch thiết kế và xây dựng kiến trúc cảnh quan tổ chức các dịch vụ du lịch và tổ chức sự kiện.
Tuyến phố Nguyễn Lạc - Trần Độc được định hướng quy hoạch phát triển và kết nối với Phố ẩm thực Ngô Văn Sở và khu vực lân cận hình thành khu du lịch ẩm thực.
Với tuyến phố Đô Đốc Bảo, trang trí đồng bộ toàn bộ chiều dài dải cây xanh dọc 2 tuyến đường Đô Đốc Bảo và đường Phạm Hùng, bố trí không gian nghệ thuật kết hợp dịch vụ thương mại; trước mắt thực hiện tại khu vực có giới cận tiếp giáp đường Nguyễn Tất Thành - Đô Đốc Bảo - Hoàng Diệu - Nguyễn Huệ.
Tuyến phố Nguyễn Thiếp kết nối với Quảng trường Nguyễn Tất Thành cùng bãi biển được quy hoạch thiết kế và xây dựng kiến trúc cảnh quan tổ chức các dịch vụ du lịch và sự kiện. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Điểm chung phố đi bộ ở hầu hết thành phố du lịch nổi tiếng là nơi để “phô diễn” bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng của thành phố đó, vậy còn phố đi bộ Quy Nhơn hình thành tới đây sẽ như thế nào?
- Đúng là trên thế giới và nhiều tỉnh, thành trong nước, phố đi bộ đã có từ rất lâu ở các đô thị lớn, có nét đặc trưng riêng và nhiều nơi hình thành thương hiệu riêng, trở thành điểm nhấn để du khách đến tìm hiểu văn hóa, du lịch của địa phương. Đối với TP Quy Nhơn, đến giờ phố đi bộ mới hình thành là một sự ra đời muộn màng.
Do đó, trong đề án xây dựng phố đi bộ, các giải pháp đưa ra được chú trọng để phát huy bản sắc văn hóa riêng có của địa phương bên cạnh văn hóa và xu thế của thế giới, nhằm tổ chức nơi đây trở thành không gian văn hóa, không gian sáng tạo, góp phần phát triển du lịch, kinh tế đêm của địa phương.
Cụ thể, kiến trúc cần có điểm nhấn đặc trưng về cá Ông (cá Voi) gắn với tục thờ cá Ông và lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển tại địa phương. Về văn hóa, phố sẽ đặc biệt chú trọng phát huy các di sản văn hóa phi vật thể địa phương như: Bài chòi, hò bả trạo (hay còn gọi là hát múa bả trạo), võ cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn (nhạc Võ Tây Sơn)…; khai thác những nét ẩm thực đặc sắc của Quy Nhơn - Bình Định.
Phố ẩm thực đường Ngô Văn Sở. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Phố đi bộ cùng với phố đêm là điểm nhấn du lịch và kinh tế đêm của các đô thị lớn, nhưng với đô thị Quy Nhơn cho đến giờ vẫn còn “khuyết” phố đêm đúng nghĩa, thưa ông?
- Thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 20.5.2021 của Thành ủy Quy Nhơn về “Phát triển kinh tế biển, trọng tâm đẩy mạnh dịch vụ, du lịch biển TP Quy Nhơn đến năm 2025”, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện đến năm 2025 và kế hoạch thực hiện hằng năm. Trong đó, định hướng cùng với phố đi bộ, kinh tế đêm cũng là điểm nhấn du lịch của đô thị Quy Nhơn.
Thời gian qua, thành phố đã xây dựng và hình thành các phố ẩm thực Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư; các điểm tập trung dịch vụ nhà hàng ẩm thực, các điểm vui chơi giải trí về đêm dọc tuyến biển Quy Nhơn như: Khu vực dọc tuyến đường Xuân Diệu và bãi biển Xuân Diệu, khu vực đường Nguyễn Thị Định - An Dương Vương, đường Nguyễn Tất Thành - Lê Duẩn (xung quanh trung tâm thương mại Quy Nhơn). Đối với các làng chài ven biển, thành phố đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế đêm tại 4 khu vực ven biển thuộc làng chài Nhơn Hải, Nhơn Lý, Bãi Xép - Ghềnh Ráng và quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực Bãi Trước xã đảo Nhơn Châu.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đề xuất tỉnh phát triển thêm các loại hình dịch vụ du lịch kinh tế đêm thu hút nhà đầu tư lớn vào thực hiện dọc biển Quy Nhơn, đầm Thị Nại, khu du lịch Hải Giang… Các dự án trên đi vào hoạt động sẽ là động lực lớn để thành phố phát triển kinh tế đêm tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Ngoài ra, theo chủ trương của tỉnh, để chuẩn bị xây dựng mới Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, lựa chọn địa điểm và xây dựng phương án di dời chợ đêm Quy Nhơn từ đường Lê Duẩn (phía trước Nhà Văn hóa Lao động tỉnh) về khu vực sân bóng đá của Công viên Thiếu nhi (diện tích sử dụng 2.604 m2). Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện di dời ngay chợ đêm Quy Nhơn đến địa điểm mới và tổ chức phương án hoạt động theo hướng hiện đại, văn minh, tạo điểm nhấn độc đáo về đêm, nhằm phục vụ cho nhu cầu, thị hiếu của người dân và khách du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và phát triển du lịch của TP Quy Nhơn nói riêng.
* Xin cảm ơn ông!
Đưa sản phẩm văn hóa du lịch thành lợi thế phát triển kinh tế đêm Hiện, chúng tôi cũng đang tham mưu UBND tỉnh “Đề án phát triển TP Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng văn hóa, du lịch theo định hướng tại Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 168 của Chính phủ. Đây sẽ là những định hướng quan trọng cho phát triển du lịch Quy Nhơn - Bình Định, tạo điều kiện để thành phố phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch, đưa sản phẩm văn hóa du lịch trở thành lợi thế trong phát triển kinh tế đêm của địa phương. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn NGÔ HOÀNG NAM |