|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Lão phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em: Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Hiện số trẻ em suy dinh dưỡng của huyện An Lão chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh. Ðể kiểm soát tình trạng này, ngoài nỗ lực của ngành y tế, cần sự hỗ trợ của nhiều ngành, đoàn thể khác.

Hiện tại, huyện An Lão có hơn 7.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; trong đó diện quản lý sinh là 326 người; trẻ dưới 5 tuổi có 2.100 trẻ và trẻ từ 5 - 16 tuổi có 5.700 trẻ.

Ông Trương Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc TTYT huyện An Lão, cho biết: An Lão là huyện miền núi nghèo. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ rất cao; trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn 16,5%, trẻ từ 5 - dưới 16 tuổi chiếm khoảng 21,5%. Hằng năm, chúng tôi vẫn phải thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng, tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt như mong muốn cần phải làm nhiều hơn thế. Từ năm 2022, theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Cùng với đó, căn cứ vào các kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, phấn đấu từ giờ đến cuối năm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn khoảng 20% theo Nghị quyết HĐND huyện.

Tư vấn về “1.000 ngày đầu đời” của trẻ cho bà mẹ vừa sinh con. Ảnh: Đ. THẢO

Hằng năm, huyện An Lão đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn... Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức tư vấn về chăm sóc “1.000 ngày đầu đời” của trẻ cho các cộng tác viên, nhân viên y tế thôn. Tổ chức cân, đo đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng và chiều cao theo tuổi. Trong năm, huyện cũng thực hiện khám định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, đồng thời tư vấn trực tiếp nội dung chăm sóc “1.000 ngày đầu đời” cho bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi. Tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức và nâng cao kỹ năng truyền thông cho y tế thôn, cộng tác viên dinh dưỡng.

Chị Lê Thị Bích Vân, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng Trạm Y tế xã An Trung, chia sẻ: Hằng năm, chúng tôi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, cho trẻ uống vitamin, cấp vi chất, lồng ghép tuyên truyền tư vấn. Nếu có bà mẹ đến khám thai, khám trẻ chúng tôi đều tư vấn dinh dưỡng. Về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở xã chúng tôi còn cao.

Chị Hoàng Thị Mỹ Lê, cử nhân điều dưỡng Khoa Ngoại Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT huyện An Lão, cho biết: Về vấn đề tuyên truyền, tập huấn, chúng tôi làm rất thường xuyên và người dân cũng đã biết. Nếu nói họ nấu bữa ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, họ làm được, nhưng có lẽ vì thói quen, điều kiện sống mà họ không làm. Tôi nghĩ, không chỉ tuyên truyền cho bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ mà cần tuyên truyền cho cả người chồng hoặc người uy tín trong gia đình, khu dân cư nữa thì hiệu quả mới cao.

Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng đạt hiệu quả tốt hơn, ông Trương Ngọc Hưởng cho biết thêm: Hiện chúng tôi đã có kế hoạch đề xuất với UBND huyện, đối với trẻ trong độ tuổi đi học, ngành y tế phối hợp với ngành GD&ĐT cải thiện vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú, nội trú. Còn các em không được đi học, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương, đoàn thể, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, nông dân, chứ giao cho gia đình rất khó. Cho nên, để trẻ em của toàn huyện được chăm sóc tốt, rất cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.


Tác giả: ÐỖ THẢO
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật