|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn, phát triển làng nghề ở Hoài Nhơn

Những năm qua, TX Hoài Nhơn tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề. Các làng nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Quan tâm hỗ trợ làng nghề

Hiện nay, TX Hoài Nhơn có 4 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: Làng nghề dệt chiếu cói Công Thạnh, làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 (phường Tam Quan Nam), làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Chương Hòa, làng nghề trồng hoa Gia An Nam (xã Hoài Châu Bắc). 

Theo thống kê, các làng nghề có tổng cộng 363 hộ sản xuất, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động, trong đó có hơn 1.000 lao động thường xuyên. Doanh thu từ hoạt động làng nghề năm 2024 ước đạt hơn 114 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Trong các sản phẩm của làng nghề, đến nay chiếu cói Hoài Nhơn, bún số 8 Tam Quan Nam đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, dù các làng nghề có nhiều tiềm năng nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc phát triển bền vững. Các làng nghề hiện chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ, sản phẩm còn mang tính thủ công, chưa đồng bộ về mẫu mã. Hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Điểm đáng ghi nhận, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ các làng nghề ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm như: Làng nghề dệt chiếu cói Chương Hòa đã đưa vào sử dụng thêm 2 máy dệt chiếu tự động, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm chiếu cói của hộ kinh doanh Lý Văn Khánh (làng nghề dệt chiếu cói Chương Hòa) đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, mở ra cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rộng rãi hơn.

Làng nghề trồng hoa Gia An Nam cũng áp dụng hệ thống tưới phun sương, giúp tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả canh tác. Bà Nguyễn Thị Lệ, một hộ sản xuất bánh tráng tại làng nghề Tăng Long 1, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi làm bánh tráng hoàn toàn thủ công, sản lượng không cao. Nhưng từ khi có chính sách hỗ trợ, tôi mua sắm thêm máy móc, việc sản xuất thuận lợi hơn, chất lượng bánh cũng đồng đều hơn. Tôi mong thời gian tới, làng nghề sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư để phát triển mạnh hơn.

Cơ sở sản xuất chiếu cói tại làng nghề dệt chiếu cói Công Thạnh. Ảnh: HẢI YẾN

Định hướng phát triển bền vững

Nhìn chung, các làng nghề ở Hoài Nhơn vẫn gặp không ít trở ngại về hạ tầng, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá trị kinh tế chưa cao. Hiện một số làng nghề vẫn chưa có đường giao thông thuận lợi, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Chẳng hạn, làng nghề chiếu cói Chương Hòa còn vướng hành lang an toàn đường sắt, khiến việc mở rộng quy mô sản xuất gặp khó khăn.

Ngoài ra, sản xuất ở các làng nghề vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất và DN tiêu thụ. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm làng nghề cũng chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc quảng bá và tiếp cận thị trường.

Trước những khó khăn trên, chính quyền TX Hoài Nhơn đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển làng nghề theo hướng bền vững như: Gắn kết làng nghề với du lịch, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm và thu hút du khách. UBND thị xã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện lớn như Lễ hội du lịch La Vuông - Cao nguyên xanh vẫy gọi, Lễ hội văn hóa ẩm thực tỉnh Bình Định, hội chợ, phiên chợ lớn của tỉnh… TX Hoài Nhơn cũng khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đăng ký chứng nhận OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Chí Công nhấn mạnh: Trong năm 2025, TX Hoài Nhơn tiếp tục triển khai đề án phát triển làng nghề bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam, đồng thời xây dựng đề án phát triển làng nghề trồng hoa Gia An Nam, hướng đến việc mở rộng quy mô canh tác lên khoảng 150 ha. Tập trung thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản phẩm làng nghề gắn với thương hiệu OCOP và du lịch giúp làng nghề phát triển bền vững. Ngoài ra, thị xã cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các làng nghề, giúp việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.


Tác giả: BÙI NGHĨA
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật