|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Huyện Vân Canh tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm, Ba Na

Huyện Vân Canh tổ chức sự kiện Văn hóa – Du lịch năm 2025 từ ngày 30/5 đến 1/6/2025 và tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của dân tộc Chăm Hroi để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Quảng bá tiềm năng văn hóa - du lịch

Từ ngày 30/5 đến 1/6/2025, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Văn hóa – Du lịch năm 2025, với quy mô lớn nhằm bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện; quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm, Ba Na Vân Canh đến đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh Bình Định, để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá về vùng đất và con người Vân Canh, các tiềm năng, thế mạnh của huyện, quảng bá chính sách, quy hoạch của Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định nhằm thu hút đầu tư vào huyện, trong đó đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm đến tiềm năng, phục vụ phát triển công nghiệp của Bình Định nói chung và Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định nói riêng, đáp ứng nhu cầu tham quan, phục vụ du khách trong thời gian đến.

Huyện Vân Canh tổ chức sự kiện Văn hóa – Du lịch năm 2025 từ ngày 30/5 đến 1/6/2025 

Điểm nhấn của sự kiện là Liên hoan văn hóa trống, cồng chiêng “Tiếng vọng từ đại ngàn”, nơi các câu lạc bộ cồng chiêng của đồng bào Chăm, Ba Na tại các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh của huyện Vân Canh, cùng giao lưu với các đoàn nghệ nhân đến từ huyện Vĩnh Thạnh và huyện Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên.

Song song đó là Liên hoan dân vũ với chủ đề "Hoà quyện cùng vũ điệu đại ngàn" và Hội trại “Ấn tượng Vân Canh”, sẽ tái hiện không gian văn hóa đặc trưng, từ kiến trúc nhà truyền thống đến ẩm thực, nghề thủ công, các trò chơi dân gian, ngày hội làm bánh truyền thống.

Bên cạnh đó, để quảng bá tiềm năng du lịch, huyện Vân Canh tổ chức hoạt động thăm quan, trải nghiệm, cuộc thi “Check-in cảnh đẹp Vân Canh” tại các điểm dự kiến phát triển du lịch sinh thái như suối Đá Kà Te, suối Một, vườn nhãn Canh Thuận, hồ Núi Một làng Canh Tiến. Những địa danh này sở hữu cảnh quan vẻ đẹp nguyên sơ, mang đậm hơi thở núi rừng đại ngàn.

Những hoạt động mới mẻ, hấp dẫn thu hút du khách của chuỗi sự kiện là Cuộc thi "Duyên dáng Becamex - Vân Canh lần thứ I - 2025"; Lễ hội đường phố Becamex - Vân Canh lần thứ I – 2025, chủ đề "Khát vọng đại ngàn"; Giải đua xe đạp Becamex – Vân Canh lần thứ I - năm 2025, "Khám phá đại ngàn - Hành trình chinh phục mọi giới hạn", với lộ trình 25km từ Khu công nghiệp Becamex VSIP (xã Canh Vinh) đến suối Đá (xã Canh Thuận). Cuộc đua không chỉ là hoạt động thể thao sôi động, mà còn giúp người tham gia “mục sở thị” vẻ đẹp của đại ngàn và vùng đất Vân Canh đang chuyển mình mạnh mẽ. Cùng đó là các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương để giới thiệu sản phẩm OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ của bà con dân tộc Chăm, Ba Na.

Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể

Để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm Hroi, UBND huyện Vân Canh xây dựng Kế hoạch lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của dân tộc Chăm Hroi huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đoàn nghệ nhân huyện Vân Canh tỉnh Bình Định tham gia Lễ hội Trống Đôi - Cồng 3 - Chiêng 5 mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, do UBND huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên tổ chức

Thông qua các sản phẩm của hồ sơ Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của dân tộc Chăm Hroi Vân Canh, nhằm giới thiệu một loại hình di sản nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của dân tộc Chăm Hroi gắn với mô hình làng truyền thống người Chăm Hroi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vân Canh đối với du khách trong và ngoài nước; gắn kết phục vụ du lịch cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn huyện.

Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong là di sản nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của dân tộc Chăm Hroi

Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của dân tộc Chăm Hroi Vân Canh không chỉ đem lại giá trị văn hóa; là một trong những địa danh gắn với làng Chăm cổ truyền, các hoạt động hội làng mà trọng tâm là trình diễn nghệ thuật dân gian qua các nhạc cụ truyền thống, cụ thể là Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của người Chăm Hroi, hòa với không gian thể hiện các làn điệu A-ya, A-ri, những câu chuyện dân gian; đồng thời là chiếc cầu nối giữa nhiều nét văn hóa các dân tộc thiểu số từ thế hệ người Chăm cổ truyền ở huyện Vân Canh trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.


Tác giả: Mỹ Bình
Nguồn:langngheviet.com.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật