Sắc xuân Nhơn Hạnh
Những ngày áp Tết Giáp Thìn- 2024, giữa tiết trời se lạnh, tôi có dịp về thăm Nhơn Hạnh, một xã xa nhất về phía đông thị xã An Nhơn, là chảo lửa, túi bom thời kháng chiến chống Mỹ ở khu Đông, ác liệt đến mức mà anh em kháng chiến từng nói với nhau là“Nhơn Hạnh gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó đừng mong ngày về”, mà ngày nay diện mạo nông thôn Nhơn Hạnh đã đổi thay đến ngỡ ngàng.
Còn nhớ những ngày đầu mới giải phóng, bà con từ các khu dồn gồng gánh về lại làng cũ nhìn cỏ cây lút đầu, đứng trong vườn mà không tìm được nền nhà cũ, Hàng ngàn lượt thanh niên các xã phía tây chi viện, cùng với người dân tại chỗ khai hoang vỡ hóa, tháo gỡ bom mìn, đào mương, vét giếng, dựng tạm nhà ở, trường học, trạm xá bằng tranh tre nứa lá, hỗ trợ lương thực, thuốc men, sách vở cho học sinh…
Vậy mà chỉ vài ba năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, vùng đất chết thời mưa bom bão đạn đã nhanh chóng hồi sinh, màu xanh đã vươn lên từ những hố bom, hầm pháo, những đường xích xe tăng, trả lại cánh đồng phì nhiêu bát ngát vốn là vựa lúa của An Nhơn. Nhơn Hạnh đi lên từ quá trình kết hợp giữa hợp tác hóa nông nghiệp gắn với thủy lợi hóa, điện khí hóa nông thôn, cơ giới hóa đồng ruộng…Từ điểm xuất phát của nền kinh tế thuần nông, độc canh cây lúa, ngày xưa đến mùa đông là cái rốn lũ, còn mùa hè thì khô hạn “kiến bò qua sông” do cuối nguồn sông Côn.
Vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa lo ổn định cuộc sống nhân dân, vừa mò mẫm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thí điểm đầu tiên trong huyện, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng đã dần vượt qua và đi vào ký ức không thể nào quên của lớp người cao tuổi. Rồi, gần 40 năm đổi mới, kinh tế- xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã cải thiện rõ rệt. Đến năm 2018, Nhơn Hạnh được công nhận là xã nông thôn mới, tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn bộ các tiêu chí để về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024.
Nhiều năm liền, Nhơn Hạnh tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông ở xứ sở chớm mưa đã lún, chớm nắng đã khô. Hai tuyến đường dọc quan trọng kết nối đông tây, đó là tuyến đường phía nam xã từ đông bắc huyện Tuy Phước ngang trung tâm xã lên quốc lộ I A, đoạn qua xã dài hơn 3 cây số và tuyến đường 19 B từ ven biển lên sân bay Phù Cát đến Bảo tàng Quang Trung đoạn đi qua phía bắc xã dài gần 2 cây số. Cùng với các trục đường ngang dọc liên huyện, liên xã, liên thôn dài hơn 20 cây số được nắn tuyến, nâng cấp, mở rộng trải nhựa, trải bê tông vào đến ngõ ngách từng xóm nhà và chạy dọc những con kênh ăm ắp nước nhả vào ruộng. Mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện, nên Nhơn Hạnh không còn xa trung tâm thị xã, cũng rất gần với sân bay Phù Cát và khu du lịch ven biển. Điện tỏa sáng từng nhà dân và ban đêm thắp sáng trên những con đường hoa, và đã qua rồi cái cảnh lửa rơm thay củi, ánh trăng thay đèn và cũng chấm dứt cái cảnh đường sá quanh năm lầy lội “chín áo một quần”, người dân đã thực sự đổi đời.
Những con số biết nói có sức thuyết phục mà lãnh đạo xã cho tôi biết, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong những năm gần đây đạt trên dưới 9%, riêng năm 2023 đạt 9,37%, tăng 1,8% so với nghị quyết Đảng bộ đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,62%, hộ cận nghèo 2,31% thấp hơn mức bình quân của thị xã; thu nhập bình quân đầu người gần 57 triệu đồng/ năm...Vùng đất chua phèn ở hạ bạn, đến nay Nhơn Hạnh là một trong những nơi người dân sớm được sử dụng nguồn nước sạch.
Chưa có năm nào xã Nhơn Hạnh được mùa lúa như năm 2023, mặc dù thời tiết diễn biến không thuận lợi, hơn 162 ha lúa chuyển sang trồng dưa hấu và một số diện tích trồng hoa mai, đất lúa giảm hàng trăm ha nhưng nhờ chuyển đổi mùa vụ, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là sử dụng giống lúa mới phù hợp thổ nhưỡng, nên năng suất lúa đạt tới 74 tạ/ha, cao hơn năm ngoái 3,43 tạ và cũng cao nhất từ trước tới nay, dẫn đầu tốp các xã- phường có năng suất lúa cao nhất thị xã. Sản lượng thóc cả năm đạt 11.132 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch 6%, bình quân lương thực đầu người trên 1.000 ký/năm, vừa trang trải nhu cầu trong xã, vừa tham gia thị trường lương thực hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.
Nhơn Hạnh định hình một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất bao tiêu lúa giống chất lượng cao trên 100 ha. Tăng cường hoạt động có hiệu quả của hai hợp xã nông nghiệp, củng cố hợp tác xã mai vàng đi vào kinh doanh đúng hướng, đề nghị công nhận mai vàng là sản phẩm OCOP của địa phương, tạo ra thương hiệu, giúp cho người sản xuất mai vàng qua kênh thương mại điện tử. Năm 2024, Nhơn Hạnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,5%, nâng giá trị trên một đơn vị canh tác lên 90 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng…Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bứt phá hơn nữa để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, nhất là khu vực chợ Nhơn Thiện, chợ Quán Mới và các khu dân cư tập trung, nhằm nâng cao tỷ tỷ trọng công nghiệp- thương mại dịch vụ lên xấp xỉ 50% trong cơ cấu kinh tế của xã vào năm 2024 và cao hơn nữa vào những năm sau.
Phát triển kinh tế gắn với thực hiện an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công và đối tượng yếu thế…Sự nghiệp văn hóa- thể dục thể thao, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ rõ rệt. Các thế hệ con em của quê hương Nhơn Hạnh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, một trong những nơi có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và vào đại học mỗi năm một nhiều, hơn 30 người có học vị giáo sư, tiến sĩ đã và đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “xây dựng nông thôn mới” dần đi vào thực chất và thiết thực. Công viên trung tâm ở vào vị trí gắn với khu chứng tích cầu Chữ Y đã đi vào lịch sử kháng chiến hào hùng của quê hương Nhơn Hạnh và khu Đông, nay là trung tâm hành chính- kinh tế- văn hóa tạo điểm nhấn cho bộ mặt của xã ngày càng khởi sắc. Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu gắn với đà phát triển đô thị hóa nông thôn, càng làm cho bức tranh Nhơn Hạnh thêm sắc màu tươi thắm, một miền quê thật đáng sống.
Theo chân Chủ tịch xã Nguyễn Minh Thành dạo quanh công viên trung tâm vừa cải tạo nâng cấp óp đá hoa cương, đứng trước tượng đài chiến thắng cầu Chữ Y, nước chảy rì rào tung trắng xóa qua con đập, tôi có cảm giác như đang trở về với cội nguồn của sự hy sinh năm xưa đầy máu và nước mắt để có được ngày ngày nay huy hoàng. Từ công viên trung tâm vào Định Thuận, Thanh Mai, Xuân Mai và quành ra Thái Xuân, Hòa Tây, Hòa Đông, xuống tận Lộc Thuận nơi nào cũng màu xanh của cỏ cây ven đường, của lúa Đông Xuân đang thì con gái mơn mởn trước nắng xuân và của hoa mai đang khoe sắc đón xuân Giáp Thìn, mừng xuân Đảng ta tròn 94 tuổi.
Chia tay chủ tịch trẻ bên cầu Chữ Y, bất giác cảm khái tôi thốt lên: Cũng mảnh đất Nhơn Hạnh thân thương yêu quý này, mà thời chiến tranh khốc liệt “Ai đi đến đó đừng mong ngày về”, còn ngày nay thì “Ai đi đến đó lòng không muốn về”.