A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ cấp huyện

Dưới sự hướng dẫn chỉ đạo của Sở KH&CN Bình Định cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, hoạt động KH&CN cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, với nhiều ứng dụng tiến bộ KH&CN, đặc biệt ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn sản xuất và thế mạnh của mỗi địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Sở KH&CN Bình Định đã tập trung chỉ đạo và đầu tư đưa hoạt động KH&CN ở cơ sở đi vào nền nếp, nâng cao hiệu quả và đóng góp vào quá trình phát triển của địa phương.

Mô hình thâm canh lúa cải tiến chất lượng theo hướng hữu cơ tại xã Ân tường Tây, huyện Hoài Ân đã tạo được động lực lớn cho hoạt động sản xuất tại địa phương. Ảnh: KL

Công tác triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học vào đời sống và sản xuất tại các huyện được thực hiện theo hướng tập trung hơn, trọng tâm vào các vấn đề phát sinh tại địa phương. Một số mô hình tại địa phương đã phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng. Điển hình như mô hình ứng dụng kỹ thuật Longo trong điều trị bệnh trĩ từ nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố do TTYT TP Quy Nhơn chủ trì. Nhiệm vụ đã ứng dụng phương pháp phẫu thuật Longo được áp dụng cho cả những bệnh nhân ít có điều kiện kinh tế (giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân, gia đình). Việc ứng dụng kỹ thuật Longo tại TTYT TP Quy Nhơn còn giúp giảm thiểu gánh nặng lên bệnh viện tuyến trên; đồng thời, giúp bệnh nhân có cơ hội được điều trị dễ dàng, không cần phải chuyển tuyến. Bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt và lao động, giảm các biến chứng phẫu thuật. Hay như nhiệm vụ ứng dụng các giải pháp để phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Quy Nhơn do Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn chủ trì. Nhiệm vụ đã cung cấp tư liệu nguồn chính thống để quảng bá, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị, ý nghĩa của di tích trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, cập nhật nguồn tài liệu về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của thành phố trong công tác quản lý nhà nước trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và cập nhật trên bản đồ số nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nét đặc sắc của địa phương.

Tại xã Ân tường Tây, huyện Hoài Ân, mô hình thâm canh lúa cải tiến chất lượng theo hướng hữu cơ bước đầu đã tạo được động lực lớn cho hoạt động sản xuất tại địa phương, thích hợp cho việc thâm canh tăng năng suất cây lúa, tăng giá trị sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân. Mô hình thâm canh cây ngô trên chân đất chuyển đổi ở vụ hè thu triển khai ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát đã giúp nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi. Qua đó, khuyến khích bà con mở rộng sản xuất các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế, phù hợp thổ nhưỡng khí hậu địa phương trên các chân đất chuyển đổi từ trồng lúa, sắn, mía kém hiệu quả. Cũng tại Phù Cát, mô hình thâm canh cây mè trên chân đất chuyển đổi ở vụ hè thu, triển khai tại xã Cát Hiệp đã giúp bà con nắm bắt được quy trình kỹ thuật thâm canh cây mè, nhất là khâu chọn giống, làm đất, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh hại. Ưu điểm là tận dụng được các chân đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả chuyển sang trồng mè, góp phần cải tạo đất. Mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ triển khai tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát đã giúp hình thành một phương thức nuôi mới, hiệu quả cao (ghép nhiều loại thủy sản với nhau) cho người nuôi thủy sản trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Thông qua các buổi làm việc, Sở KH&CN Bình Định tăng cường nắm bắt nhu cầu và đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của các địa phương. Ảnh: KL

Tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, mô hình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào chế biến dầu ăn tinh khiết từ đậu phộng của HTXNN Thượng Giang đã ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ mới vào chế biến dầu ăn tinh khiết từ đậu phộng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của thị trường. Qua đó, từng bước đưa máy móc vào sản xuất nhằm đa dạng hóa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước về sản phẩm tốt cho sức khỏe, giảm thiểu được sự ô nhiễm về môi trường trong quá trình sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, cải thiện, hoàn chỉnh và phát triển ngành công nghệ thực phẩm với các công nghệ mới, tiên tiến phục vụ tốt nhất nhu cầu cuộc sống hàng ngày cho con người. Mô hình áp dụng KHKT vào sản xuất trồng các loại hoa, kiểng lá trồng trên đất và trong chậu nhỏ trên giàn kê trong nhà màng tại 03 điểm ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trồng đa dạng giống hoa, kiểng lá, cây phong thủy… chất lượng cao phù hợp với khí hậu tại địa phương, hạn chế sâu bệnh từ đó tăng chất lượng, giá trị thương mại và hiệu quả kinh tế vùng trồng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa.

Ngoài một số mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào địa phương sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm, một số nguồn kinh phí khác như nguồn đầu tư phát triển, khuyến nông, khuyến công… cũng đã góp phần triển khai các mô hình trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghệ ứng dụng các tiến bộ mới phù hợp với từng địa phương.

Bên cạnh việc triển khai các ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống, trong năm 2023, Sở KH&CN Bình Định đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN cấp cơ sở triển khai trên địa bàn của 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, Sở cũng bố trí kinh phí hơn 1 tỷ đồng để triển khai ứng dụng các kết quả đề tài nghiên cứu KH&CN tại các huyện.


Tác giả: Khánh Linh
Nguồn:skhcn.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật