A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều theo chuẩn mới. Qua đó luôn giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh hiện có 20 thành phần DTTS, với trên 16.500 người, sinh sống chủ yếu ở miền núi. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “Huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc QP-AN”.

Ông Huỳnh Đức Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Là huyện miền núi, xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh luôn quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp đồng bào dân tộc yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Hạ tầng hoàn thiện, đời sống nhân dân nâng cao, tư duy sản xuất đổi mới là những nét nổi bật trong vùng dân tộc miền núi ở huyện Vĩnh Thạnh trong mấy năm gần đây”.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai đầu tư xây dựng 122 công trình, với tổng nguồn vốn từ các chương trình dự án 155,9 tỷ đồng. Đặc biệt hệ thống giao thông được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương. Đường ĐT 637 đoạn qua Suối Sem, đường Đông Sông Kôn (Vĩnh Thạnh – Tây Sơn), đường ĐT 637 từ huyện lên Vĩnh Sơn, đường ven hồ Định Bình đi Vĩnh Kim…

Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới trên 95% diện tích sản xuất lúa nước, trong đó diện tích lúa nước tưới bằng công trình thủy lợi kiên cố hóa đạt 63%; năng suất các loại cây trồng được tăng lên. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 6,95%/năm, thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt gần 22,3 triệu đồng.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh trong mấy năm gần đây đang tạo nên một làn sóng thay đổi nhận thức trong tổ chức canh tác theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa. Là một trong những người được tiếp cận với phương thức canh tác mới, anh Đinh Văn Nhớt ở làng 6, xã Vĩnh Thuận đã nhanh chóng đưa kinh tế gia đình thoát khỏi nghèo khó. Với hơn 3 hecta đất đồi, anh đưa vào trồng luân phiên các loại cây trồng như bắp, đậu đỗ, dưa hấu và bí đỏ, mỗi năm mang lại cho anh nguồn thu trên 200 triệu đồng.

Sau nhiều năm tái định cư trên vùng đất Vĩnh Hoà, ông Đinh Văn Hùng ở làng M9 đã biết tận dụng tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế gia đình. Nguồn thu nhập của gia đình ông ổn định từ 100 đến 150 triệu đồng mỗi năm chính từ các loại cây trồng dài ngày như cây điều, keo và các loại cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, ớt… Ông Hùng luôn chịu khó học hỏi, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ bà con xung quanh về cách thâm canh cây trồng hiệu quả.

Những năm gần đây, một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao cũng được bà con đưa vào trồng. Vườn dâu tây ở xã Vĩnh Sơn là mô hình trồng thử nghiệm của anh Bùi Ngọc Thanh ở làng K2, xã Vĩnh Sơn. Từng có thời gian hợp tác làm homestay trên Tây Nguyên, anh Thanh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm nông trại với mục đích mở homestay ở quê mình. Theo anh Thanh, việc kết hợp giữa du lịch trải nghiệm với sản xuất sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thuận lợi, nâng cao đáng kể giá trị kinh tế và thu nhập cho gia đình.

Tại làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp, cuộc sống mới cũng đang chuyển biến từng ngày, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Những ngôi nhà xây kiên cố trị giá vài trăm triệu đồng ở làng Tà Lét bây giờ không hiếm. Đây chính là minh chứng cho những đổi thay tích cực trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh. Cùng với sự đầu tư của nhà nước thông qua các chương, hạ tầng nông thôn ở Tà Lét được đầu tư xây dựng đã phục vụ có hiệu quả cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Đinh Biên - Già làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp, cho biết: “Mỗi năm làng có từ 5 đến 7 hộ thoát diện hộ nghèo. Đây là kết quả từ các chính sách của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ cho đồng bào miền núi trong phát triển sản xuất. Đời sống kinh tế khá lên đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của bà con, các tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ, truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ và phát huy, bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”…

Sự nghiệp giáo dục đào tạo, sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng đã góp phần nâng cao nhận thức, mức độ hưởng thụ văn hóa, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu. Hệ thống trường, lớp được xây dựng kiên cố, trang thiết bị dạy và học được đầu tư cơ bản. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được áp dụng kịp thời theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc được chú trọng thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Một số địa phương đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Năm 2020, nhà bảo tồn văn hóa truyền thống của làng Kon Blo được xây dựng và là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, đồ dùng lao động, sản xuất, sinh hoạt trong các gia đình đồng bào Bana Kriêm.

Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh lần thứ III năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn huyện đã có sự đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. đa số các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi được nâng lên, truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau được gìn giữ, phát huy.

Tin tưởng rằng trong thời gian tới, với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện đề ra, cũng như tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc để góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Thạnh ngày càng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Một số hình ảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh hôm nay

Toàn cảnh trung tâm huyện lỵ Vĩnh Thạnh

Đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh

thăm hỏi tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp

Nhà rông làng Suối Cát, xã Vĩnh Sơn được đầu tư xây dựng khang trang

Đồng chí Hồ Quốc Dũng – Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ thăm gia đình chính sách xã Vĩnh Sơn


Tác giả: Xuân Dũng
Nguồn:vinhthanh.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật