A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải quyết đầu ra sản phẩm nông nghiệp: Ðiển hình Tuy Phước

Cùng với quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, huyện Tuy Phước đã kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ký hợp đồng với HTX thực hiện các chuỗi liên kết để giải quyết đầu ra sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Tuy Phước vẫn tiếp tục chọn cây lúa là cây trồng chủ lực, nhưng đầu tư phát triển theo hướng sản xuất lúa giống tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Do đó, sau khi quy hoạch vùng sản xuất, huyện đã hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp sản xuất thâm canh cải tiến và quản lý dịch hại. Nhờ vậy, các cánh đồng lúa ở Tuy Phước luôn đạt năng suất cao. Nhiều DN sản xuất kinh doanh lúa giống, vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chọn Tuy Phước để đầu tư xây dựng các dự án cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ lúa giống theo chuỗi.

Nông dân xã Phước Thắng chăm sóc lúa Đông Xuân 2020 - 2021

Sau một mùa vụ tham gia liên kết chuỗi đạt hiệu quả, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, ông Đoàn Văn Bính, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng tiếp tục sản xuất gần 3 sào lúa giống ĐV 108 để bán cho DN. Ông Bính chia sẻ: “Vụ này năm trước, tôi đã bán được hơn 1 tấn lúa giống, thu được hơn 7 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với làm lúa thịt. Không còn lo “bí” đầu ra sản phẩm và thu nhập tăng cao, nên chúng tôi duy trì diện tích sản xuất và thực hiện đúng cam kết”.

Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Năm 2020, các địa phương trong huyện phối hợp với DN xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn sản xuất lúa giống trên diện tích 2.706 ha, trong đó có 6 cánh đồng lớn diện tích 620 ha tại Phước Hưng, Phước Sơn, Phước Lộc, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ 3 - 5 năm, có hàng nghìn nông dân tham gia. Năm 2020, nông dân thu được lợi nhuận tăng thêm từ việc bán lúa giống cho DN với số tiền 9 tỷ đồng. Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, chúng tôi sẽ xây dựng thêm 1 cánh đồng lớn liên kết chuỗi sản xuất lúa giống tại xã Phước Hiệp với diện tích 126 ha.

Rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xã Phước Hiệp bày bán tại siêu thị Big C Quy Nhơn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Ngoài cây lúa, huyện Tuy Phước còn quy hoạch phát triển các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra sản phẩm. Riêng đối với sản xuất rau an toàn, huyện Tuy Phước tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, nâng cấp cơ sở sơ chế rau an toàn và tìm thêm đối tác tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhờ vậy đến nay, xã Phước Hiệp đã thành lập được 10 nhóm/256 hộ cùng sở thích sản xuất rau an toàn trên diện tích 18 ha. Bình quân mỗi năm bà con sản xuất và cung ứng cho thị trường 500 tấn rau an toàn, trong đó có khoảng 130 tấn rau được HTXNN Phước Hiệp thu mua, sơ chế cung ứng cho siêu thị với giá bán cao hơn 10 - 15% so với rau thông thường. Huyện Tuy Phước cũng phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng chợ bò tại xã Phước An, xúc tiến thành lập HTX chăn nuôi tại địa phương này để vừa giúp giải quyết đầu ra sản phẩm chăn nuôi vừa quảng bá thương hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Huyện tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung; đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ký kết với HTX thực hiện các chuỗi liên kết, để giải quyết đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, thì việc đóng góp xây dựng nông thôn mới sẽ dễ dàng hơn.

Theo PHẠM TIẾN SỸ (baobinhdinh.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật