Hoài Nhơn tổ chức tọa đàm về địa đạo Gò Quánh
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được xem một số hình ảnh về hiện trạng địa đạo Gò Quánh, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận các nội dung xung quanh địa đạo này. Qua thảo luận của các đại biểu có nhiều ý kiến như: đại biểu Phạm Đình Đôn ở Ban tuyên giáo tỉnh ủy Bình Định cho rằng việc xây dựng Địa đạo Gò Quánh là nằm trong chương trình xây dựng làng xã chiến đấu theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương cục miền Nam, của liên khu ủy V và tỉnh ủy Bình Định. Địa đạo không được tồn tại lâu dài do điều kiện khách quan của lịch sử, việc xây dựng địa đạo có sự tham gia tích cực của lực lượng vũ trang huyện Hoài Nhơn và du kích các địa phương, chưa có cơ sở để khẳng định việc xây dựng địa đạo Gò Quánh theo mô hình của địa đạo Củ Chi.
Riêng đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trung Hậu, người ở ngay vùng địa đạo thì cho rằng địa đạo có tất cả 12 miệng, ở nhiều khu đất khác nhau, toàn bộ tuyến địa đạo là tuyến chiến đấu trực diện và chủ yếu khi địch tấn công ta bằng chiến thuật trực thăng vận, địa đạo số 5 và số 6 đã thông nhau, trong trận đánh mùa khô năm 1966-1967; thương binh được đưa xuống đây 9 người, sau đó địch phát hiện, đánh mìn và cho lấp lại, về chiến hào phía sau của địa đạo có 2 tuyến chiến hào đào theo hình chữ L quay ngược; liền kề với địa đạo và chiến hào còn có rất nhiều hầm bí mật để ém quân ở tầm cạn nhằm hỗ trợ cho lực lượng chiến đấu. Về ý nghĩa và tác dụng của địa đạo này, ông Hậu cho rằng nó có ý nghĩa và tác dụng trong chiến đấu chống địch “tìm và diệt”, chống ý đồ khui trục cơ sở chiến tranh cách mạng để “bình định” miền nam; ông cũng đề xuất xem xét lại tên gọi địa đạo Gò Quánh vì thiếu chính xác về địa danh, cần trao đổi xác định thời gian triển khai công trình địa đạo và địa đạo chưa hoàn chỉnh vì bị Mỹ phát hiện và đánh mìn,…
Tại hội thảo, đồng chí Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy huyện Hoài Nhơn ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề xuất các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ cho huyện và địa phương tiếp tục tìm hiểu, xác minh các thông tin được trao đổi tại buổi tọa đàm để có cơ sở làm rõ về vai trò, vị trí, ý nghĩa của địa đạo, thời gian hình thành, quy mô, vị trí chiến lược, tầm ảnh hưởng cũng như ý nghĩa lịch sử của Địa đạo Gò Quánh trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Hoài Thanh nói riêng, huyện Hoài Nhơn nói chung trên cơ sở đó có phương án bảo vệ và phục hồi địa đạo trong thời gian đến.
Theo Ánh Nguyệt (baobinhdinh.com.vn)