|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề truyền thống An Nhơn nhộn nhịp vào vụ Tết

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng tăng cao của người dân, nhiều làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn đã và đang đẩy mạnh sản xuất, không khí lao động tại các làng nghề càng nhộn nhịp, tất bật, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn, góp phần tăng thu nhập và để sản phẩm làng nghề ngày càng vươn xa.

 

Những ngày đầu tháng Chạp, các hộ nấu rượu tại làng nghề truyền thống rượu Bàu đá Cù Lâm (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc) đang hối hả, tất bật, tăng hết công suất để kịp sản xuất ra những sản phẩm rượu bàu đá thơm ngon, chất lượng nhất để phục vụ thị trường người tiêu dùng. Cũng như bao hộ sản xuất rượu bàu đá khác, vào thời điểm cuối năm, gia đình ông Lê Văn Thưởng (chủ cơ sở rượu bàu đá Hoa Thưởng, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc) cũng bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối để cho ra những mẻ rượu bàu đá thơm ngon. Trung bình mỗi ngày, hộ ông Thưởng sử dụng khoảng 50kg các loại nguyên liệu như gạo, nếp, đậu xanh để sản xuất ra từ 22-25 lít rượu bàu đá các loại. Ông Thưởng cho biết thêm: “Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi xuất bán ra thị trường 2.000 lít rượu bàu đá các loại như gạo, nếp, đậu xanh để phục vụ khách hàng tại địa phương và cung cấp cho các bạn hàng trong và ngoài tỉnh. Rượu bàu đá do gia đình tôi sản xuất đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao nên cũng được đông đảo khách hàng ưa chuộng”.
Tại làng nghề bánh - bún An Thái (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc), hàng chục cơ sở, hộ gia đình trong làng nghề đang hối hả chạy đua với thời gian để có hàng kịp phục vụ Tết nguyên đán. Làng nghề bún - bánh An Thái hiện có trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất và cung cấp đa dạng các sản phẩm bánh – bún như bánh tráng các loại, bún song thằn, bún gạo, bún mì vàng, bún phở… Để có thể cho ra các sản phẩm bánh – bún thơm ngon thì bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối, các thợ làm bánh, bún phải thực hiện các công việc theo quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm bánh – bún An Thái không chỉ phục vụ người tiêu dùng tại địa phương, trong tỉnh Bình Định mà còn được khách hàng trên cả nước ưa chuộng, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 
Ông Đỗ Thiệu Sanh Chút – chủ hộ sản xuất bún Chấn Ích, làng nghề bánh – bún An Thái, xã Nhơn Phúc chia sẻ: Dịp cuối năm, nhu cầu khách hàng mua bún khô tăng cao. Bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch cho đến nay, cứ 1 giờ sáng hàng ngày, cả gia đình tôi bắt đầu làm bún để kịp có hàng giao cho khách. Trung bình hiện tại mỗi ngày gia đình làm ra được khoảng 6 tạ bún khô các loại như bún gạo, bún phở, bún mì vàng… để bỏ cho các bạn hàng ở Quy Nhơn, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng… 
Cũng như các hộ gia đình khác trong làng nghề, thời điểm này, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) cũng bận rộn, thuê mướn nhân công để phụ sản xuất bánh tráng. Chị Điệp cho biết thêm: Dịp cuối năm, lượng khách hàng hỏi mua bánh tráng nhiều nên để có đủ bánh giao cho khách, gia đình tôi phải dậy từ 2h sáng để chạy máy bánh tráng, máy chạy được 2 tiếng thì nghỉ để chuẩn bị bột rồi lại chạy tiếp, làm đến khi nào trời hết nắng thì mới nghỉ. Ngoài các thành viên trong gia đình thì tôi còn mướn thêm 4 lao động tại địa phương để phụ chạy bánh máy, phơi bánh khô và cắt bánh, đóng gói… mới kịp giao cho các thương lái đến lấy hàng mỗi ngày. Mỗi năm có một mùa tết nên phải cố gắng làm hết năng suất.
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mà hầu hết các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã An Nhơn phải tăng hết năng suất có thể để kịp đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất, mang lại nguồn thu nhập ổn định, để bà con các làng nghề đón một cái Tết vui tươi, đầm ấm. 
 


Tác giả: LÊ NGÂN
Nguồn:annhon.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật