Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với UBND huyện Hoài Ân về triển khai nhiệm vụ năm 2019
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng phát biểu tại buổi làm việc
Năm 2018, huyện đã đề ra 14 chỉ tiêu kinh tế xã hội, tuy nhiên trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhất là giá cả thị trường biến động, không ổn định tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện. Mặc dù, Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả tích cực nhưng cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản, công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ và sản lượng lương thực quy thóc chưa đạt được so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt vượt so với kế hoạch, cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12,5% so với kế hoạch; tổng thu ngân sách gần 79 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 34 triệu đồng/người/năm; duy trì đạt chuẩn quốc gia 15/15 xã, thị trấn về phổ cập giáo dục từ bậc Mầm non đến bậc THCS, đạt 100%;…công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phá rừng có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện; hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được chú trọng.
Năm 2019, Hoài Ân đặt ra chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 13%, trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 9,6%, công nghiệp - xây dựng 16,8%, dịch vụ - thương mại 15,1%, sản lượng lương thực quy lúa 68.000 tấn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng 1.200 ha, phấn đấu có thêm 1 xã về đích nông thôn mới.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển các loại cây trồng có thế mạnh như bơ, bưởi da xanh, chăn nuôi heo, gà. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, nhất là những công trình bị thiệt hại trong các đợt bão lụt vừa qua.
Dịp này, huyện Hoài Ân cũng đề xuất, kiến nghị tỉnh 7 vấn đề như: hỗ trợ vốn các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp là 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình năm 2019: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 630 Đoạn Kim Sơn - Vực Bà; Nâng cấp mở rộng Tuyến đường Ân Phong đi Ân Tường Đông; Cầu Phú Văn nối xã Ân Thạnh, Hoài Ân với huyện Hoài Nhơn; UBND tỉnh có ý kiến sớm cho chủ trương để Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân hợp đồng lao động quản lý, bảo vệ; kiến nghị UBND tỉnh quan tâm cho chủ trương để người dân tiếp tục được hỗ trợ BTXM tỉnh để thực hiện tu sửa các tuyến được hư hỏng, xuống cấp; UBND tỉnh sớm ban hành Đề án giao đất, kể cả đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư Khu khám bệnh tại Trung tâm vì hiện nay đã xuống cấp, vì xây dựng đến nay trên 32 năm; Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của huyện Hoài Ân trong phát triển KT-XH trong thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và rác thải sinh hoạt chưa được được xử lý triệt để. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn chậm… Bên cạnh đó, các đề xuất, kiến nghị của huyện, đồng chí ghi nhận và yêu cầu các sở, ngành liên quan phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trả lời, giải quyết dứt điểm từng vấn đề mà huyện đã nêu.
Năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương tập trung quyết liệt các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nghề lao động theo hướng bền vững, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, quản lý, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong cơ quan, đơn vị và chỉ đạo hoạt động có hiệu quả bộ phận một cửa tại chỗ cấp huyện, cấp xã; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo của UBND tỉnh trên hệ thống phần mềm.
THÙY TRANG