A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

(binhdinh.gov.vn)-Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết 26 của BCHTW Đảng khoá X, về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, sự nhận thức và hành động cụ thể của các cấp, các ngành và cán bộ đảng viên, nhân dân huyện Phù Cát đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân nhất là vùng nông thôn không ngừng được nâng cao. Công tác xóa đói giảm nghèo được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm.

Làm đường nông thôn (Ảnh minh họa, nguồn: binhdinh.gov.vn)


Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 2%. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi được nông dân tích cực hưởng ứng. Đến nay có gần 100% diện tích gieo trồng đã được áp dụng cơ giới hóa ở khâu thu hoạch và khâu làm đất.

 

Hiện nay, cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh, huyện Phù Cát đang tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Mà thực chất chương trình xây dựng nông thôn mới chính là việc cụ thể hóa nghị quyết 26 của Ban chấp hành trung ương về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Sau hơn hai năm rưỡi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với những cố gắng, huyện Phù Cát có 2 xã đạt 13/19 tiêu chí (Cát Trinh, Cát Khánh); 1 xã đạt 12/19 tiêu chí (Cát Hanh); 4 xã đạt 11 tiêu chí (Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tường, Cát Lâm); 4 xã đạt 10 tiêu chí (Cát Tài, Cát Minh, Cát Hải, Cát Tân); 1 xã đạt 9 tiêu chí (Cát Sơn); 3 xã đạt 8 tiêu chí (Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Thành); 1 xã đạt 7 tiêu chí (Cát Hiệp).

 

Bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư hơn 130 tỉ đồng (vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ 84 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương), thi công 102 công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó, chủ yếu là bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, lưới điện, các cơ sở y tế, thiết chế văn hóa, trường, lớp học, chợ nông thôn. Ngoài ra, các xã đã đầu tư ngân sách hơn 49 tỉ đồng, cùng với nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, cây cối, hoa màu trị giá hàng chục tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi.

 

Đến nay, các tuyến giao thông liên xã, trục chính xã được bê tông chiếm 63% tổng chiều dài; đường thôn, xóm, trục chính nội đồng được bê tông và cấp phối chiếm 23% tổng chiều dài. Hơn 55% diện tích gieo trồng hàng năm được đảm bảo nước tưới từ các công trình thủy lợi; kênh mương do xã quản lý tiếp tục được kiên cố hóa gần 30%.

 

Điều ghi nhận sau hơn 2 năm rưỡi XDNTM ở Phù Cát là kinh tế phát triển khá; bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn được cải thiện một bước. Các xã đều đã đạt chuẩn phổ cập THCS; có 11 trường tiểu học, 10 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Tỉ lệ hộ gia đình ở nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 78,6%, tăng 12,6% so năm 2010. Mỗi xã đều có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 81/108 thôn có điểm internet. 10 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn. Đội ngũ cán bộ, công chức xã từng bước được chuẩn hóa. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, tăng cường; dân chủ ở cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tiến độ thực hiện nhiều chỉ tiêu còn quá chậm; chưa huy động được sự vào cuộc của toàn dân; tư tưởng trông chờ vào đầu tư hỗ trợ của nhà nước còn khá phổ biến. Thời gian tới có nhiều vấn đề cần được tập trung tháo gỡ giải quyết, nhưng trong đó có một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm đó là tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 ngày 20/4/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Theo đó những việc người dân được bàn bạc, được tham gia ý kiến trước khi chính quyền và cấp có thẩm quyền quyết định đó là: Đề án, quy hoạch xây dựng NTM; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; phương án, kế hoạch thực hiện các công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

 

Những việc người dân tự bàn bạc và quyết định trên cơ sở có định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đó là: xóa đói giảm nghèo; chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi; hiến đất xây dựng công trình phúc lợi; đóng góp xây dựng các loại quỹ; xây dựng nếp sống văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự; bài trừ tệ nạn xã hội. Từng hộ gia đình tự quyết định việc quy hoạch, chỉnh trang nhà cửa, ngõ, cổng, hàng rào cho phù hợp quy hoạch chung của xã, thôn; tự bàn bạc trong gia đình thay đổi cung cách làm ăn; động viên gia đình, con cháu tự giác thực hiện các quy định của nhà nước, quy ước hương thôn. Mặt khác người dân phải được giám sát thực hiện tất cả các chủ trương của Đảng và nhà nước trong xây dựng NTM thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng,…./.

                                                          

THẾ HÀ


Tin nổi bật Tin nổi bật