A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đạt những thành tựu đáng chú ý và toàn diện, với nhiều kết quả ấn tượng. Ðặc biệt, giá trị sản xuất của nhiều loại nông sản đã tăng mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và củng cố vị thế quan trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành NN&PTNT năm 2025 chiều 7.1, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Dũng cho biết, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ngành nông- lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 3,04%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ và là động lực thúc đẩy nền kinh tế tỉnh phát triển trong năm 2025.

Năng suất cây trồng tăng

Trong lĩnh vực trồng trọt, các cây trồng chủ lực đều đạt năng suất vượt trội so với năm trước. Cây lúa đạt năng suất trung bình 70,1 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha), đậu phụng đạt 40,8 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha) và cây mì đạt gần 283 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha). Các cây lâu năm như dừa và bưởi phát triển mạnh về diện tích, đạt năng suất cao, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông sản của tỉnh.

Năm 2024, năng suất lúa tiếp tục có sự tăng trưởng.

- Trong ảnh: Nông dân huyện Phù Cát thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2024.  Ảnh: T.LỢI

 

Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho hay, diện tích trồng dừa hiện nay của tỉnh đã hơn 9.265 ha, với năng suất đạt 139,4 tạ/ha trong năm 2024, tăng 0,65 tạ/ha so với năm trước. Cây bưởi đạt năng suất 64,6 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha. Đặc biệt, không chỉ năng suất tăng, giá thu mua nông sản, trái cây cũng đạt mức cao hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Điều này được chứng thực bởi nhiều nông dân trồng cây ăn trái. Ông Ðặng Văn Cấp, chủ một vườn bưởi da xanh ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Ðông (huyện Hoài Ân), chia sẻ, gia đình ông thu hoạch gần 5 tấn bưởi trong năm 2024, với giá bán bình quân 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước, giúp gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.

Giá lúa trong năm 2024 cũng dao động từ 8.500 đồng - 10.000 đồng/kg (tùy loại giống). Ông Bùi Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Bùi Minh Long - nhà máy ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) chuyên xay xát gạo và sản xuất bột thô, cho hay: “Mức giá này tăng từ 5 - 10% so với năm 2023, giúp người trồng lúa có thêm thu nhập và ổn định lợi nhuận”.

Chăn nuôi và thủy sản cùng vui

Ngành chăn nuôi cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. Tổng đàn gia súc và gia cầm vẫn duy trì ổn định, với hơn 721 nghìn con heo, hơn 307 nghìn con bò và hơn 9,8 triệu con gia cầm, hơn 8,2 triệu con gà.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), năm qua giá heo thịt duy trì từ 56.000 - 68.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm trước, giúp người chăn nuôi đảm bảo thu nhập. Thị trường tiêu thụ gia cầm, đặc biệt là gà giống và gà thịt cũng giữ được sự ổn định.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, năm qua, ngành chăn nuôi tại Hoài Ân duy trì và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, năm 2024, tổng đàn trâu bò đạt 26.371 con, đàn heo đạt 266 nghìn con (chiếm 36,8% tổng đàn heo của tỉnh), đàn gia cầm đạt 835 nghìn con. Toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao, 1.926 trang trại quy mô vừa và nhỏ, cùng 5 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, Hoài Ân đã xây dựng thành công chuỗi liên kết tiêu thụ gà thịt thả đồi và gà mía thảo dược với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng C.P.

Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng khai thác biển đạt hơn 281 nghìn tấn (tăng 2,6% so với năm trước), trong đó cá ngừ đại dương đạt 14.270 tấn. Sản lượng nuôi thủy sản đạt gần 14.000 tấn. Điển hình ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đã triển khai dự án nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (Biofloc) với hơn 40 ha, năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha/vụ, mở ra hướng mới trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả cho ngành nuôi tôm của huyện.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng từ 3,2 - 3,6%.

Năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản từ 3,2 - 3,6%. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 707 nghìn tấn, trong đó, sản lượng lúa đạt 648 nghìn tấn, bắp 59.000 tấn…

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu ngành nông nghiệp xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực trồng trọt là trọng tâm.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh, các vùng trồng lúa cần được duy trì để bảo đảm an ninh lương thực; đối với những khu vực không thuận lợi cho việc canh tác cây lúa hoặc cây trồng chủ lực, cần tính toán chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn, như bắp, đậu phụng, rau củ hoặc cây ăn quả như dừa xiêm, bưởi. Việc chuyển đổi phải gắn liền với xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, liên kết chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc mã vùng trồng và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, tiến tới mục tiêu xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển các dự án trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; giảm chăn nuôi nông hộ; xây dựng các vùng nuôi an toàn để phục vụ chế biến. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nuôi bò thịt chất lượng cao, gà thả đồi... Nghiên cứu các vùng quy hoạch, thực hiện các mô hình phát triển nuôi thủy sản nước ngọt trên hồ thủy lợi và nuôi biển. Đặc biệt là thực hiện rốt ráo các biện pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay.

Đối với lâm nghiệp, ngành cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng nhằm khắc phục những bất cập trước đây; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, ưu tiên giữ lại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để bảo vệ môi trường sinh thái... Phát triển rừng sản xuất cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) để phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, công tác phòng chống cháy rừng, quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, phòng chống thiên tai, tích nước tại các hồ chứa để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong năm 2025 cũng phải được chú trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh lưu ý, ngành nông nghiệp cũng cần xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, phát triển sản phẩm OCOP có mẫu mã đẹp và giá trị cao. Phối hợp với chính quyền các địa phương huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp để hoàn thành các mục tiêu phát triển nông thôn mới…  

Năm 2024, ngành nông nghiệp đã duy trì 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Trồng và chuyển hóa 200 ha rừng cây gỗ lớn, nâng tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên 10.082 ha; hơn 12.175 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững. 91/113 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật