Tây Sơn: Sơ kết sản xuất vụ hè thu và triển khai sản xuất vụ mùa vụ 3
Vụ hè Thu 2016 diễn ra trong tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài và gay gắt trên diện rộng ở các địa phương đã làm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất các loại cây trồng vụ hè. Tổng diện tích xuống giống các loại cây trồng trong vụ hè thu 5.386,4ha. Trong đó diện tích cây lúa 4.274,7ha, giảm 66,1ha (lúa vụ hè 1069,6ha, lúa vụ Thu 3.205,1ha); năng suất ước đạt 63,7 tạ/ha cao hơn vụ Hè Thu năm 2015 khoảng 1,4 tạ/ha. Cây trồng cạn diện tích 1.111,7 ha, đạt 127,6% so kế hoạch và tăng 248,7ha so với vụ hè Thu năm 2015.
Trong vụ hè Thu năm nay, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, tổng diện tích chuyển đổi đạt 52,6ha (tăng 37,6ha so vụ hè thu năm 2015). Việc chuyển đổi cây trồng chủ yếu tập trung cây ngô, mè, lạc và rau đậu các loại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội nghị việc chuyển đổi vẫn chưa mang tính ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, diện tích chuyển đổi còn manh mún, đầu ra sản phẩm còn hạn chế, giá cả nông sản còn bấp bênh. Trong vụ sản xuất vừa qua, toàn huyện thực hiện được 3 cánh đồng mẫu lớn về cây lúa với diện tích 160 ha gồm 950 hộ tham gia.
Kế hoạch diện tích sản xuất vụ 3, vụ mùa toàn huyện: cây lúa là 958 ha lúa (Trong đó lúa sạ vụ 3 là 797 ha, lúa mùa gieo khô 161 ha). Cây ngô là 375ha, cây lạc 10ha, rau các loại 383ha và đậu các loại 53ha. Theo dự báo, thời tiết vụ 3, vụ mùa tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng và dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn tiềm ẩn trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, gây hại.
Để giành thắng lợi trong sản xuất vụ 3 vụ mùa, tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp, các đơn vị làm dịch vụ thủy lợi tiếp tục chỉ đạo chăm sóc lúa thu; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các biện pháp sản xuất và bảo vệ cây trồng, vật nuôi vụ 3, vụ mùa phấn đấu đạt kế hoạch diện tích đề ra. Trong đó cần tập trung một số vấn đề sau: Xuống giống đảm bảo đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống, nạo vét, sửa chữa, khơi thông hệ thống kênh mương, điều tiết nước tưới hợp lý đảm bảo phục vụ sản xuất; Dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, côn trùng gây hại, chuột có hiệu quả; Đẩy nhanh tiến độ thiết kế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là giống để triển khai trồng rừng theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; Tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm đi đôi với việc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh động vật, tổ chức tiêm phòng đảm bảo đúng tiến độ thời gian và tỷ lệ quy định; Tập trung chỉ đạo và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.
NGỌC HÀ