Tây Sơn: Tín dụng ưu đãi giúp giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, vốn vay chính sách xã hội đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các hộ chính sách trên địa bàn huyện Tây Sơn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Vốn chính sách hỗ trợ sản xuất
10 năm trước, vợ chồng chị Phạm Thị Huệ (37 tuổi, ở thôn 2, xã Bình Nghi) chọn lập nghiệp với mô hình nông trại. Anh chị thuê đất vườn và bắt đầu mô hình với việc nuôi 500 con gà. Tuy nhiên, mới thực hiện được một thời gian ngắn, chủ đất lấy lại đất vườn, việc sản xuất của anh chị tạm dừng.
Vẫn ấp ủ ước mơ, cuối năm 2019, anh chị quyết định mua 10.000 m2 đất để xây dựng lại mô hình. “Chúng tôi vừa mua xong đất, bắt tay vào trồng trọt, mua con giống thì đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Người nông dân như tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đến đầu năm 2023, chúng tôi vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện để mua 6.000 con gà giống”, chị Huệ kể.
Đến nay, chị Huệ đã bán đợt gà đầu tiên và chuẩn bị bán đợt gà thứ hai phục vụ dịp Tết. Ngoài nuôi gà, vợ chồng chị còn chăn nuôi bò, heo, trồng cây ăn trái, cây keo… Cả nhà đang cố gắng làm việc để tích lũy, trả nợ ngân hàng, phát triển trang trại hơn nữa để nâng cao thu nhập, phấn đấu làm giàu trên đất quê hương.
Sau nhiều năm là hộ nghèo, hai năm gần đây, hộ chị Phan Thị Ngọc Liên (49 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân) đã bước ra khỏi diện nghèo. Dù vẫn còn thuộc nhóm hộ cận nghèo, nhưng chị Liên khá phấn khởi cho biết, nguồn thu nhập lớn nhất của gia đình mỗi năm là từ việc bán bò. Số bò hiện tại của gia đình được nhân lên từ vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tôi đã vay tổng cộng 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Toàn bộ số tiền vay này đều dùng để mua bò, sửa sang lại chuồng trại. Thời điểm được xét duyệt vay vốn, cầm tiền trên tay, tôi và chồng đều nhắc nhau phải tiết kiệm để trả lãi đúng hạn”.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng (giữa) và Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ thăm mô hình trang trại của vợ chồng chị Huệ. Ảnh: N.M
Quan tâm, đẩy mạnh vốn ủy thác
Đến ngày 30.11, tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Tây Sơn gần 600 tỷ đồng với 10.407 khách hàng đang dư nợ, hoàn thành 98,9% kế hoạch tăng trưởng.
Riêng thực hiện các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, tổng dư nợ đến cuối tháng 11.2023 là 62,8 tỷ đồng, hoàn thành 91,2% kế hoạch dư nợ năm 2023. Trong đó, thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 40,1 tỷ đồng; cho vay để thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở gần 18,8 tỷ đồng… Thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn, đến ngày 31.10, tổng số tiền hỗ trợ là gần 5,9 tỷ đồng với 7.763 lượt khách hàng.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho hay: Thời gian qua, tín dụng CSXH đã góp sức cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là trong năm 2023 - năm huyện phấn đấu về đích huyện nông thôn mới. Thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với tín dụng CSXH, đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đã đạt 3,8 tỷ đồng. Riêng năm 2023, UBND huyện chuyển 1 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện, đạt 125% kế hoạch được giao.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn, thông tin thêm: Nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người dân còn rất nhiều, tuy nhiên nguồn vốn phân bổ mới chỉ đáp ứng một phần. Địa phương rất mong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn này.
Trực tiếp thăm các hộ vay, khảo sát các mô hình, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá cao những kết quả trong công tác triển khai vốn vay tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Tây Sơn thời gian qua. Đồng thời mong địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách cho người dân; đảm bảo bình xét đúng đối tượng; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần rà soát nhu cầu vay vốn của hộ vay, đề xuất nhu cầu về tỉnh để Ngân hàng CSXH Việt Nam có cơ sở phân bổ vốn.