|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: 14 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 1.336 tỉ đồng

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tính đến 16 giờ ngày 16/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 12 người chết, 2 người bị mất tích và 1 người bị thương do lũ.

Người dân bơi trong nước lụt sau khi lũ rút.


Tổng thiệt hại về tài sản ước trên 1.336 tỉ đồng. Trong đó, về nông nghiệp, kho lúa giống của Trung tâm giống cây trồng tỉnh bị ngập hỏng 200 tấn lúa lai, 300 tấn lúa thuần. Có 95 ha lúa bị mất trắng, 120 ha giảm sản lượng trên 30%, 707 tấn lúa giống bị ướt; 19 ha mì bị mất trắng, 20 ha giảm sản lượng trên 30%; 212 ha keo lai bị hư hỏng; 330 ha rau màu bị hư hỏng; 39 con trâu bò chết, 57 con heo và 20.070 con gia cầm chết; 2.450 ha sa bồi.

Có 6 nhà bị sập, 84 nhà hư hỏng, 98.094 nhà bị ngập, 156 phòng học bị hư hỏng.

Hiện các khu công nghiệp của tỉnh, gồm KCN Phú Tài – Long Mỹ (Quy Nhơn), KCN Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) và các cụm công nghiệp tại các địa phương đã bị ngập sâu làm hư hỏng, thiệt hại về máy móc, nhà xưởng, kho chứa hàng hóa, vật tư, nguyên liệu. Nhiều hàng hóa (đồ gỗ xuất khẩu) bị trôi trong cơn lũ.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 15 kết hợp với không khí lạnh tăng cường và nhiễu động gió Đông trên cao, khu vực tỉnh Bình Định đã có mưa rất to. Lượng mưa từ 1 giờ sáng ngày 15 đến 16 giờ ngày 16/11 đo được tại An Hòa (huyện An Lão) là 388mm, Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) 278mm, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) 400mm, Bình Nghi (huyện Tây Sơn) 329mm, Thạnh Hòa (huyện Tuy Phước) 156mm, huyện Vân Canh 377mm, TP Quy Nhơn 155mm, huyện Phù Mỹ 251mm, huyện Phù Cát 263mm, huyện Hoài Ân 217mm.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.406m đường giao thông bị vỡ, sạt lở với khối lượng 9.590m3; sáu cầu cống bị phá hủy, cuốn trôi; 14 cầu cống bị hư hỏng; 1 phương tiện giao thông bị lũ cuốn trôi.

Tuyến quốc lộ IA đoạn đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu 1,2m đến 1,4m, tuyến đường nối quốc lộ IA đến sân bay Phù Cát bị tắc đường do ngập nước, các tuyến bay từ Quy Nhơn đều bị đình trệ. Cầu Gành (Tuy Phước) có nguy cơ bị sập nếu nước tiếp tục dâng cao; tại cầu Bình Định (thị xã An Nhơn), mố phía Nam bị xói lở nặng và đứt đường đầu cầu 50m; mố cầu Huỳnh Kim bị sạt lở nặng.

Quốc lộ ID ngập sâu 0,5m tại ngã ba Long Vân, hồ Phú Hòa; quốc lộ 19 ách tắc giao thông từ thành phố Quy Nhơn đi huyện Tây Sơn và tỉnh Gia Lai bị ách tắc nhiều đoạn.

* Tối 16/11, nước lũ tại các địa phương đang rút. Điểm lũ phường Bình Định (TX An Nhơn) và Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đang rút dần. Người dân đã về lại nhà cửa dọn dẹp, tuy nhiên do nước lũ lên nhanh, gần như toàn bộ tài sản của họ đã mất trắng.

Tâm điểm vùng lũ Liêm Trực (phường Bình Định, TX An Nhơn) là vùng bị cô lập hoàn toàn khi nước lũ tràn về.

Sáng 16/11, lực lượng cứu hộ di dời được 37 người mắc kẹt trong nước, những nơi khác trong thôn người dân tự tránh lũ bằng cách leo lên chỗ cao. Từ 5 giờ chiều ngày 15/11, đài truyền thanh phường đã thông báo người dân cảnh báo lũ. Tuy nhiên, do nước lũ lớn và bất ngờ, vùng Liêm Trực đã bị nhấn chìm trong lũ chỉ sau một đêm. Đến thời điểm này, chưa thống kê nhưng toàn bộ tài sản của người dân mất trắng, trên địa bàn có một người thiệt mạng do lũ cuốn. Chúng tôi đang chờ đợi các phương án sau lũ từ chính quyền phường và thị xã”.

Ông Bùi Bán Khải - Chủ tịch P. Bình Định, cho biết: “Thời điểm hiện tại, phường phối hợp với các lực lượng chức năng trực tiếp bám tại những vùng còn bị ngập lụt. Mọi phương án cứu hộ trước, trong và sau lũ đang triển khai. Chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại tại địa phương”.

Tại khu vực Huỳnh Kim (Nhơn Hòa, TX An Nhơn), hàng chục nhà dân trên truyến đường từ cầu Bà Gi đi xã Phước Hiệp bị sụt lún, sập móng. Người dân ở đây vẫn chưa thể trở về nhà. Đoạn đường này cũng bị sụt một đoạn gần 30m, giao thông tê liệt. Hai P. Bình Định, Nhơn Hòa (An Nhơn) mất điện hoàn toàn.

Huyện Tuy Phước có 2 người chết: Anh Nguyễn Văn Tá (thôn An Sơn 2, xã Phước An) và Ngô Văn Bá (thôn Luật Bình, xã Phước Quang). Mưa lũ cũng gây ngập 36.000 ngôi nhà (80% số nhà trên địa bàn), xô ngã 200m tường rào UBND xã Phước Quang, phá vỡ 100m đê sông Hà Thanh ở Luật Lễ (thị trấn Diêu Trì)…

Các huyện ở phía Bắc tỉnh Bình Định cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Trong đó, huyện Phù Mỹ có 1.585 căn nhà bị ngập nước. Có 19/19 xã bị thiệt hại. Tại huyện Phù Cát, mưa lũ đã gây ngập các xã Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh. Trên địa bàn huyện có 1 người chết do mưa lũ, 3 nhà bị sập, 2.061 nhà bị ngập nước. Huyện Hoài Nhơn có 1 người bị thương, 13 nhà ở Tam Quan Nam bị tốc mái, 156 ha lúa mới gieo sạ bị ngập, trôi giống, 15 ha nuôi tôm cá bị ngập nước, sập mố cầu Duyên xã Hoài Châu.

Huyện Hoài Nhơn đã di dời khẩn cấp 500 hộ tại các vùng bị ngập lụt trong toàn huyện. Tại huyện An Lão đã xảy ra lũ quét ở xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang. Tỉnh lộ ĐT 629 bị ngập nhiều đoạn, tuyến đường đi An Toàn, An Nghĩa bị sạt lở, giao thông bị chia cắt.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Lê Hữu Lộc: "Nước lũ dâng cao là do mưa lớn từ 300 -400mm, chứ không phải do xả lũ. Hệ thống hồ chứa trên địa bàn Bình Định đều là hồ thủy lợi, hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) là hồ chứa lớn nhất với 220 triệu m3 nước. từ ngày 15/11, lượng nước đổ về quá tải khiến hồ chứa bị tràn. Theo ông Lộc, đây là trận lũ lớn nhất Bình Định từ trước tới nay.

 

Theo phunuonline.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật