A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: XK cá ngừ hướng tới thị trường Nhật Bản

Với chiều dài bờ biển trên 134 km, 1.440 km2 diện tích vùng nội thủy và 40.000 km2 diện tích lãnh hải, Bình Định hội đủ điều kiện cơ bản để trở thành địa phương có ngành kinh tế biển phát triển vượt trội.

Ảnh minh họa.

 

Bình Định là một trong những địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ có truyền thống đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu đánh bắt bằng phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, vì cách thức sơ chế, bảo quản chưa đạt yêu cầu nên sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định không được giá, luôn trong tình trạng bấp bênh.

Tỉnh hiện có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương hơn 1.000 chiếc, có sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương cao nhất với hơn 10.000 tấn mỗi năm. Lợi thế từ kinh tế biển đã giúp Bình Định giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động, nâng thu nhập cho các hộ dân và cộng đồng ngư dân ven biển, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế địa phương.

Mấy năm gần đây, các tàu khai thác cá ngừ đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng. Phương pháp mới này mang lại chất lượng tốt hơn cho cá ngừ đại dương. Tuy vậy, cách thức sơ chế, chế biến ngay trên biển của ngư dân còn thủ công, cá không đủ tươi do thời gian mỗi chuyến biển dài ngày… là nguyên nhân dẫn đến giá cá thấp hơn so với các địa phương khác như Phú Yên, Khánh Hòa.

Với quyết tâm đưa cá ngừ đại dương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Định đang chọn bước đi đột phá: Đưa trực tiếp sang thị trường Nhật Bản với sự trợ giúp (kỹ thuật đánh bắt, kỹ thuật chế biến) của các doanh nghiệp, các địa phương của Nhật Bản.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp thủy sản của Nhật Bản, tỉnh Bình Định triển khai thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo tổ đội 5 tàu cá tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn.

UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 5 tàu cá mua sắm các thiết bị đánh bắt và bảo quản theo công nghệ của Nhật Bản; nâng cấp hầm ướp cá và trang bị cho các tàu thiết bị đánh bắt và xử lý cá sau khai thác.

Ông La Tình, chủ tàu cá BĐ 96225 (huyện Hoài Nhơn) là 1 trong 5 tàu được chọn thí điểm, cho biết tàu có hầm làm lạnh và được trang bị đầy đủ dụng cụ đánh bắt. Bên cạnh đó, ngư dân được hướng dẫn cách xử lý cá theo phương pháp hiện đại khiến cá có chất lượng tốt hơn, giúp nâng giá sản phẩm cao hơn trước.

Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiệu quả bước đầu của đội tàu cá ngừ đại dương sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nghề khai thác cá ngừ của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp và tập huấn kỹ thuật cho ngư dân. Nếu thí điểm thành công, Bình Định sẽ nhân rộng mô hình để tăng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản. Tỉnh cũng có kế hoạch làm việc với các ngân hàng về hình thức cho ngư dân vay vốn ưu đãi.

 

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật