|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao lưu trực tuyến "An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2014"

(binhdinh.gov.vn)-Ngày 03/12/2014, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh tổ chức giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh với chủ đề: “An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2014”.

 

Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh; Ông Trần Châu - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; Ông Võ Gia Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TT&TT đồng chủ trì buổi giao lưu.

 

Nhằm phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần đổi mới phương thức tập hợp, tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực giao thông; Nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kịp thời giải quyết thỏa đáng ý kiến thắc mắc của các tổ chức, cá nhân về vấn đề an toàn giao thông; Thông qua hoạt động này, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, kính mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi.

 

Trần Châu - 14:30, 02/12/2014

Cho hỏi tại sao trên các tuyến đường để tải trọng đầu đường là 13T, nhưng cầu trên đường là 15T?

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 08:02, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT xin trả lời như sau:

Theo số liệu của Sở GTVT thì nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn hẹp nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Mặc khác, trên nhiều tuyến đường trong cả nước các công trình được xây dựng ở các thời kỳ khác nhau không đồng bộ do điều chỉnh quy hoạch. Một số công trình khi được xây dựng mới theo quy hoạch thì có tải trọng thiết kế lớn hơn tải trọng khai thác của tuyến. Do đó, việc trên cùng một đoạn tuyến nhưng các biển báo tải trọng khai thác khác nhau là rất phổ biến. Vấn đề bất cập này, hiện nay Bộ GTVT đã có văn bản số 5382/BGTVT-KCHT ngày 13/5/2014 chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát và thay thế biển báo giới hạn tải trọng trên đường bộ theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2012/BGTVT nhằm từng bước khắc phục các vấn đề bất cập bạn đọc quan tâm.

Đối với hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh, hiện nay Tổng Cục đường bộ Viêt Nam đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ III kiểm tra, rà soát và thay thế biển báo giới hạn tải trọng trên đường bộ các tuyến quốc lộ.

Đối với hệ thống đường địa phương, Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp với Sở GTVT để đôn đốc thực hiện việc rà soát và thay thế biển báo giới hạn tải trọng trên đường bộ địa phương, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ thay thế và cắm biển báo giới hạn tải trọng trên toàn bộ hệ thống đường địa phương.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!

 

Khai mạc buổi giao lưu trực tuyến.


Nguyễn Thanh Nhơn - 07:46, 03/12/2014

Nhà tôi theo dự án QL1, mấy ông đào trước nhà tôi cái cống sâu hoắm rồi để đó. NHà tôi phải gửi xe máy ở nhà đối diện để qua nhà,. Tôi lại có con nhỏ. Yêu cầu cơ quan nhanh lấp hố cho tôi.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 08:15, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT xin trả lời như sau:

Công trình Mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định, hiện nay đang được đầu tư xây dựng. Trong quá trình tổ chức thi công, cơ bản các nhà thầu thi công đều có ý thức tuân thủ vấn đề đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường trên tuyến và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên tuyến. Sở GTVT đã có nhiều văn bản phản ánh, kiến nghị Bộ GTVT, Ban QLDA 2 (chủ đầu tư công trình) về các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế còn một số đoạn tuyến, các nhà thầu đã tổ chức thi công chưa tuân thủ đầy đủ theo Hồ sơ thiết kế được duyệt, ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và ý kiến phản ánh của Sở GTVT. Do đó đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân hai bên tuyến trong thời gian thi công công trình. Trong thời gian đến, Ban ATGT tỉnh sẽ có văn bản đề nghị ngành giao thông vận tải quan tâm khắc phục triệt để trong thời gian sớm nhất.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm phản ánh!

 

Hoàng Hữu Tài - 14:48, 02/12/2014

Do có việc đột xuất, tôi mượn xe máy của người quen khi lưu thông đến ngã tư lỡ vượt đèn đỏ nên bị CSGT dừng xe kiểm tra. Khi đi tôi không có mang GPLX nên CSGT lập biên bản giữ xe. Cho tôi hỏi, trong trường hợp này, tôi bị xử lý thế nào?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 08:17, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Luật GTĐB quy định: Đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành quy tắc giao thông. Theo đó, Luật cũng quy định người điều khiển phương tiện phải có GPLX theo quy định.

Với trường hợp nêu trên, bạn vi phạm: “Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng”. Với lỗi này, nếu bạn có GPLX và giấy tờ xe thì bị xử phạt hành chính từ 200.000 - 400.000 đồng và Áp dụng hình thức phạt bổ sung tước GPLX một tháng (theo quy định tại Điểm c Khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và Đường sắt).

Tuy nhiên, khi CSGT yêu cầu bạn xuất trình GPLX thì bạn lại không có. Với lỗi không có GPLX sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng được quy định tại Khoản 5, Điều 21 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Ngoài ra CSGT còn áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ xe đến 7 ngày (theo Điều 75 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP).

Như vậy, với hai lỗi trên, ngoài việc tạm giữ phương tiện đến 7 ngày, khi bạn đến cơ quan công an để chấp hành việc xử lý vi phạm, bạn phải chấp hành mức phạt chung của cả hai lỗi vi phạm hành chính là 1.300.000 đồng.

 

Hoàng Thanh - 08:05, 03/12/2014

Tôi có có mua một chiếc ô tô cũ biển số 43 (Đà nẵng cấp) Tôi hiện có hộ khẩu tại Bình Định. Khi mua xe chỉ có giấy viết tay với chủ cũ xe, nay không liên lạc được với người chủ này. Vậy theo qui định Tôi phải sang tên đăng ký về Bình Định, thủ tục giấy tờ gồm những gì? Đề nghị Công an tỉnh huớng dẫn cụ thể để tôi làm đúng quy định pháp luật?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 08:36, 03/12/2014

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi đã được Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về Đăng ký xe.

Trường hợp của bạn được quy định tại Điều 24: Giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Cụ thể, đây là trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe. Do đó, hồ sơ đăng ký gồm:

01. 02 giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

02. Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA).

Đề nghị bạn mang các thủ tục trên đến Công an Thành phố Đà Nẵng nộp. Sau khi tiếp nhận kiểm tra đầy đủ các thủ tục, hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan đăng ký xe sẽ cấp giấy hẹn có giá trị sử dụng xe trong thời gian 30 ngày và hẹn ngày đến nhận hồ sơ xe, chuyển về Bình Định đăng ký.

 

Trần Ngọc Phước - 07:52, 03/12/2014

Tôi là giám sát của một công ty đường bộ (một trong những công ty đang thi công QL1). Theo tôi biết, nhiều công ty không có vốn như đã khai báo, bản thân tôi bị nợ lương 3 tháng. Yêu cầu các ông kiểm tra lại năng lực hoạt động của các công ty này.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 08:48, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT xin trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 thì các nhà thầu tham gia thi công  công trình xây dựng nói chung, công trình xây dựng quốc lộ 1 nói riêng, trước khi trúng thầu xây dựng đều phải đảm bảo các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Đề nghị bạn Phước cung cấp một số thông tin chi tiết cụ thể về công ty mà bạn đang phản ánh để chúng tôi phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo Bộ GTVT xem xét đánh giá lại năng lực và kinh nghiệm của đơn vị trong thời gian sớm nhất nếu nội dung bạn phản ánh là đúng, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý đúng theo các quy định của pháp luật.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!

 

Lê Ngân My - 14:42, 02/12/2014

Trên tuyến đường dọc biển, đường vắng nên khi xảy ra TNGT chỉ có người dân tự xủa lý. Người gây TNGT bỏ chạy hoặc bị người dân vây đánh. Cơ quan chức năng phải xử lý tình hình này cho dân.

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:19, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

* Theo quy định tại Điều 38 Luật GTĐB 2008 về Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông thì:

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

* Hiện nay, có một số trường hợp người gây TNGT lợi dụng điều kiện như đường vắng, không có người tại hiện trường để bỏ trốn, trốn tránh trách nhiệm, không cứu giúp người bị nạn. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cũng là hành vi vô nhân đạo, không cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn.

Để xử lý tình hình này, mỗi người dân cần biết: Khi xảy ra TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn thì nạn nhân và người chứng kiến sự việc cần nhanh chóng ghi nhận đặc điểm phương tiện và người gây tai nạn (như biển số xe, màu sơn xe, loại xe, hướng bỏ chạy, độ tuổi,  giới tính, đặc điểm nhận dạng của người gây tai nạn...) và nhanh chóng điện báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc qua đường dây nóng Phòng CSGT Công an tỉnh (0563 822 863) để cơ quan chức năng kịp thời triển khai lực lượng truy tìm người và phương tiện gây tai nạn để xử lý theo quy định.

* Về hành vi đánh đập, gây thương tích cho người gây TNGT là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo hành vi vi phạm và hậu quả gây ra mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Trần Thị Phượng - 08:30, 03/12/2014

Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phuong tiện tôi vẫn còn hiệu lực nhưng chẳng may bị mất, tôi muốn xin cấp lại. Vậy tôi xin hỏi thủ tục xin cấp lại giấy như thế nào? Cơ quan nào cấp? và tôi có phải trả tiền khi được cấp lại giấy chứng nhận dăng kiểm không?

Ông Phạm Đại Lâm - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm - 09:13, 03/12/2014

Ban ATGT xin cảm ơn bạn đã tham gia vào buổi giao lưu trực tuyến về ATGT. Đối với vấn đề bạn hỏi, Ban ATGT xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 4, điều 9 của Thông tư 56/2012/TT-BGTVT ngày  27/12/2012 của Bộ GTVT và Văn bản số 3148/ĐKVN-VAR ngày 30/7/2014 của Cục ĐKVN thì đối với trường hợp mất Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường còn hiệu lực thì chủ xe phải có Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu Giấy chứng nhận cũ được sử dụng vào mục đích khác, bị cơ quan chức năng thu giữ, hoặc xuất trình Đơn báo mất có xác nhận của cơ quan công an thì đơn vị đăng kiểm kiểm định và cấp Giấy chứng nhận, tem kiểm định theo quy định. Bạn phải trả tiền phí kiểm định và lệ phí cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ tài chính.

 

Hoàng Long - 19:02, 30/11/2014

Xin cơ quan chức năng cho biết những vụ TNGT nào sẽ bị khởi tố và xứ lý hình sự

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:04, 03/12/2014

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Do đó, các trường hợp tai nạn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác và người điều khiển phương tiện có lỗi trong vụ TNGT này thì sẽ bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

  

Nguyễn Thị Thanh - 08:36, 03/12/2014

Hiện tượng bồi cạn ở các sông đang diễn ra mặc dù đang mùa mưa, tàu của tôi thường xuyên mắc cạn. Xin hỏi, tôi có được hỗ trợ để câu kéo không?

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 08:57, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT xin trả lời như sau:

Đề nghị bạn cung cấp thông tin đầy đủ để Ban ATGT tỉnh tổng hợp chuyển nội dung bạn quan tâm đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định để được xem xét giải quyết.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!

 

Huỳnh Thái An - 19:01, 30/11/2014

Tôi đang đi xe máy trên đường liên thôn thì bị công an xã yêu cầu dừng xe với lý do tôi không đổi mũ bảo hiểm. Tôi muốn biết rõ thẩm quyền của cơ quan công an xã phường có được phép dừng xe và xử phạt hành chính không?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 08:57, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Ngày 24 tháng 03 năm 2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2010/NĐ-CP  Quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết. Theo đó, lực lượng Công an xã và các lực lượng Cảnh sát khác cũng được quyền tham gia thực hiện công tác  TTKS, XLVP về TTATGT.

Tại khoản 2, Điều 8 Nghị định 27 của Chính phủ: Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

 

 Cơ quan chức năng trả lời trực tuyến.

 

Lê Đình Định, 34 tuổi - 14:39, 02/12/2014

Cho tôi hỏi: Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:27, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng. Do đó, Xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ các quy tắc khi tham gia giao thông

Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng nếu vi phạm quy tắc giao thông đường bộ tùy theo mức độ và hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/12/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 

Huỳnh Thái Học - 19:18, 30/11/2014

Hiện trên địa bàn thành phố Quy Nhơn vẫn còn nhiều trường hơp tham gia giao thông nhưng đội mũ bảo hiểm thời trang, không đạt chuẩn chất lượng? Hình thức đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn như vậy sẽ bị xử phạt như thế nào? Người lái phương tiện đường thủy nội địa phải có điều kiện gì?

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Trưởng phòng PC68 Công an tỉnh - 09:29, 03/12/2014

Trả lời:Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi: Người lái phương tiện thủy nội địa phải có điều kiện gì. Phòng Cảnh sát đường thủy trả lời như sau: Theo quy định tại điều 35 của Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định: Điều kiện của người lái phương tiện thủy nội địa như sau: 1. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây: a) Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam; b) Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi; c) Có chứng chỉ lái phương tiện. 2. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. 3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho người lái phương tiện. Xin cảm ơn!

 

Lê Trung Kiên - 19:44, 01/12/2014

Việc bố trí nữ CSGT điều tiết, chỉ huy giao thông ở những nơi tập trung đông người, xảy ra ách tắc giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, sáng 01/12/2014, sau khi đứng tại ngả tư Ngô Mây - Nguyễn Thái Học 15 phút để quan sát, tôi đề nghị Công an tỉnh nghiên cứu lại xem liệu việc bố trí nữ CSGT điều tiết giao thông với các động tác chỉ tay, giơ gậy, huýt còi tại ngả 4 này trong điều kiện giao thông bình thường có cần thiết không? Cá nhân tôi cho rằng chỉ nên bố trí điều tiết, chỉ huy giao thông ở những nơi tập trung đông người, xảy ra ách tắc giao thông; còn trong điều kiện bình thường, việc làm này chỉ làm cho ồn ào và dễ gây ra tai nạn giao thông thêm vì người đi đường tò mò không biết lý do gì mà cô CSGT cứ chỉ tay, tuýt còi, giơ gậy. Xin cảm ơn!

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:24, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Có thể nói mô hình nữ CSGT làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đã triển khai thí điểm tại một số địa phương trên cả nước được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Nhiều cơ quan báo chí đã đăng bài, hình ảnh về nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông của nữ CSGT được dư luận ủng hộ và đề nghị nhân rộng, phát huy tính mềm mại của nữ giới; tạo nên sự thân thiện với người dân, tạo được hình ảnh đẹp của CSGT trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực nội thành, nội thị ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tự giác, nhất là ở các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, chạy tốc độ cao…gây mất trật tự ATGT, TTCC. Trước tình hình trên, việc bố trí nữ Cảnh sát giao thông tham gia thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông tại các chốt đèn giao thông, các điểm phức tạp về ATGT được xem là một trong những biện pháp hiệu quả, sáng tạo trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Cảnh sát giao thông trong lòng nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, lập lại trật tự trong khu vực nội thành, nội thị.

Đây là đợt ra quân thí điểm, triển khai ở một số giao lộ trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, có một số giao lộ tình hình TTATGT phức tạp nhưng chưa triển khai được vì đang trong giai đoạn thi công nâng cấp. Đợt thực hiện thí điểm này sẽ được rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo TTATGT.

 

Nguyễn Thị Hồng - 19:19, 30/11/2014

Hiện nay tai một số tụ điểm trường học ở TP. Quy Nhơn đa số các em đi xe đap điện rất nhiều nhưng không đội mũ bảo hiểm? Vậy cho tôi hỏi trường hợp đi xe đạp điện có phải đội mũ bảo hiểm không?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 10:00, 03/12/2014

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo Khoản 2 Điều 31 Luật Giao thông đường bô 2008 có quy định “Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.”

Đồng thời, trong phần giải thích từ ngữ tại điểm e, khoản 1, điều 3 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì: “Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).”

Do đó, người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách và nếu người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy (xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông đường bộ sẽ bị Phạt tiền từ 100 – 200 nghìn đồng.

 

Thanh Thắng - 08:07, 03/12/2014

Tôi vừa mua một chiếc máy đào bánh xích để làm công trình, tôi xin hỏi thủ tục đăng ký xe máy chuyên dùng trên như thế nào, lệ phí bao nhiêu?

Ông Đặng Cao Thanh - Trưởng phòng Quản lý Vận tải Sở Giao thông Vận tải - 09:59, 03/12/2014

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu, Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Định xin trả lời như sau:

Căn cứ Thông tư 20/2010/TT-BGTVT ngày 30/7/2010 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ. Hồ sơ đăng ký lần đầu xe máy chuyên dùng gồm các loại giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký xe máy chuyên dùng (theo phụ lục số 1thông tư qui định)

- Quyết định hoặc hợp đồng mua bán kèm hoá đơn theo quy định của Bộ Tài chính (bản chính) hoặc Giấy bán, cho, tặng theo mẫu quy định (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) hoặc Văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có công chứng).

- Tờ khai hàng hoá nhập khẩu theo mẫu quy định của Bộ Tài chính (bản chính hoặc bản sao có chứng thực)

Bạn nộp 01 bộ hồ sơ tại Sở GTVT Bình Định-Địa chỉ: 14 Nguyễn Huệ, TP. Quy Nhơn.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Giao thông vận tải sẽ cử cán bộ phối hợp chủ phương tiện kiểm tra phương tiện.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng cho chủ phương tiện.

Lệ phí: 200.000 đồng/lần cấp.

 

Nguyễn Thị Thanh Hồng, 29 tuổi - 14:43, 02/12/2014

Theo Thông tư số 45 mới nhất, tôi được biết CSGT phải có thẻ xanh thì mới được dừng xe người tham gia giao thông. Cho tôi hỏi: Khi tôi dừng lại xe lại cho CSGT kiểm tra thì tôi có quyền được hỏi giấy tờ của CSGT không?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:59, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ thì tại khoản 5 Điều 3 quy định Yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ là “Đã được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an”.

Đồng thời, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ TTKS giao thông là lực lượng đang thi hành công vụ, thực thi nhiệm vụ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khi làm nhiệm vụ TTKS giao thông, CSGT phải đeo Biển hiệu Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Nếu bạn phát hiện CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông không đeo biển hiệu theo quy định thì bạn có thể phản ánh qua đường dây nóng của Phòng CSGT Công an tỉnh (0563 822 863); số đường dây nóng của thanh tra Công an tỉnh (0563.824.546) để kiểm tra , xử lý .  Theo quy định của pháp luật bạn không có quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT đang thực thi công vụ. 

 

Hoàng Ngọc Khanh - 09:34, 03/12/2014

Xin hỏi QL1A khi nào kết thúc, chúng tôi không chịu được bụi và khó khăn trong sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 09:57, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT tỉnh xin trả lời như sau:

Theo thông tin từ Ban QLDA 2, công trình Mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, theo yêu cầu của chính phủ phải được hoàn thành trong quý IV/2015. Vấn đề bạn đọc kiến nghị, trong quá trình thi công các đơn vị thi công đều phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông và  giảm thiểu bụi phát sinh cũng như hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân hai bên tuyến. Chúng tôi sẽ thông tin vấn đề bạn đọc quan tâm đến các cơ quan chức năng để yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục các vấn đề trên, và đảm bảo vệ sinh mội trường trong thi công.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!

 

Cơ quan chức năng trả lời trực tuyến.


Nguyễn Thị Hoa - 09:44, 03/12/2014

Tôi có dự định mở một cái nhà hàng nổi neo dậu trên đầm dùng dể kinh doanh. như vậy nhà hàng nổi này có phải là phuong tiện thủy không? có phải làm đăng kiểm không?

Ông Nguyễn Quả - Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải - 09:52, 03/12/2014

Vấn đề bà hỏi, Sở GTVT xin được phép trả lời như sau:

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 quy định: Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.

Như vậy, Nhà hàng nổi của bà dự định mở thuộc loại phương tiện thủy nội địa. Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, các phương tiện sau phải đăng kiểm:

1. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

2. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Sở GTVT trả lời bà biết, xin cảm ơn bà!

 

Bùi Thị Lan Anh - 14:44, 02/12/2014

Mấy hôm trước, tôi có cho em tôi mượn xe gắn máy nên đưa cả Giấy đăng ký xe cho nó. Khi tôi tới lấy lại xe thì không gặp được em tôi để lấy lại Giấy đăng ký xe. Vừa rồi, khi lái xe trên đường, tôi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe vì lỗi không bật đèn xi nhan. Sau đó, CSGT kiểm tra giấy tờ thì tôi bị thiếu Giấy đăng ký xe. Cho tôi hỏi: Trường hợp người điều khiển xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe thì bị xử phạt như thế nào?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:49, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tham gia giao lưu. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 58 Luật GTĐB 2008 về Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông thì:

Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Như vậy, việc bạn điều khiển xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe là vi phạm Luật GTĐB và với hành vi này, theo Khoản 3 Điều 17 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB và ĐS bạn sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng và bị Tạm giữ phương tiện đến 07 (bảy) ngày.

 

Bùi Thị Kim Anh - 14:41, 02/12/2014

Tôi có điều khiển xe ô tô tải qua ngã ba tại QL1A, tôi vượt qua đèn vàng ra đến giữa thì đèn đỏ, tôi bị CSGT đón lại lập biên bản phạm lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. CSGT ra quyết định xử phạt tôi có hành vi vi phạm Điều khiển xe ô tô tải không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Quy định tại điểm k4, điểm b10 khoản 1 Điều 1, mức phạt tiền là 4.000.000 đồng (bốn triệu đồng), hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày và giữ xe 07 ngày. Tôi đã chấp hành và nộp phạt theo mức tiền phạt của quyết định xử phạt trên. Nhưng vì thấy phạt nặng quá nên tôi có tìm hiểu, theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ở điều 8 điểm k khoản 4 thì “người không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Cho tôi hỏi: Lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” như đã nói ở trên mức tiền phạt đúng là bao nhiêu? Và công an CSGT đã phạt như vậy là đúng hay sai?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:49, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Nội dung câu hỏi bạn có nhiều điểm chưa cụ thể nên chúng tôi có thể thấy trường hợp của bạn đã xảy ra trước khi Nghị định 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và hành vi vi phạm của bạn bị xử lý theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB. Để bạn hiểu rõ hơn, chúng tôi trả lời như sau:

Theo Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

“Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:

a) Tín hiệu xanh là được đi;

b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;

c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”

Do đó việc bạn điều khiển xe ô tô tải đến giao lộ, khi tín hiệu đèn màu vàng đã bật sáng mà không dừng lại trước vạch dừng là vi phạm. Và với hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” này, theo Điểm l, khoản 3, Điều 5, Nghị định 171/2013/NĐ-CP bạn sẽ bị phạt tiền 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Cung cấp thêm cho bạn thông tin về hành vi vi phạm của Người điều khiển xe ô tô là: “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” (chúng ta thường gọi là vượt đèn đỏ) sẽ bị Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng.

 

Nguyễn Hoàng Ngân - 14:44, 02/12/2014

Đoạn đường chỗ đèo Phú cũ, hệ thống mương cống được đào lên nhưng ko có rào chắn, nguy hiểm cho người qua lại. Nếu bị TNGT, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 09:44, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT tỉnh xin trả lời như sau:

Theo thông tin từ Ban QLDA 2, việc đảm bảo ATGT trong quá trình thi công công trình theo quy định của Bộ GTVT được đặt biệt quan tâm, cụ thể tại các vị trí cầu, cống, nền đường phải được bố trí đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến 24h/24h. Tại vị trí bạn đọc phản ánh, chúng tôi sẽ thông tin đến Ban QLDA 2 để yêu cầu kiểm tra và khắc phục kịp thời. Trường hợp xảy ra TNGT sẽ được cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!


Nguyễn Văn Phát - 09:06, 03/12/2014

Phương tiện thủy nếu hết hạn đăng kiểm mà vẫn hoạt động thì bị xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Trưởng phòng PC68 Công an tỉnh - 09:42, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Vấn đề bạn hỏi Phòng Cảnh sát đường thủy trả lời như sau:

Theo khoản 3, khoản 4, điều 40 nghị định 93/2013/NĐ-CP quy định XPVPHC trong hoạt động giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, đối với các hành vi vi phạm sử dụng giấy chứng nhận ATKT và bảo vệ môi trường của phương tiện đã hết hiệu lực bị phạt từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy loại phương tiện. Tuy nhiên chỉ áp dụng xử phạt hành vi vi phạm này trong trường hợp phương tiện được cấp giấy chứng nhận ATKT định kỳ nhưng không còn hiệu lực sử dụng.

Xin cảm ơn!

 

Nguyễn Quốc Thông, 28 tuổi - 14:38, 02/12/2014

Tôi đi xe máy ở đường A đến ngã tư gặp đèn đỏ, tôi bật xin nhan rồi chuyển dần về bên phải rồi dừng lại, tắt xin nhan. Đến đèn xanh tôi rẽ sang đường B (không bật xin nhan), đi được 50 m thì bị CSGT dừng xe, bắt lỗi không có tín hiệu rẽ phải, tôi không đồng ý và cũng không trình giấy tờ xe, không ký biên bản xử phạt vi phạm giao thông, hiện xe tôi đã bị thu. Cho hỏi tôi: Tôi làm vậy làm đúng theo quy định pháp luật không, nếu không đúng tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:38, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

1. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật GTĐB 2008 về Sử dụng làn đường thì: “Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn”.

Do đó, việc bạn bật xi nhan rồi chuyển dần về bên phải, rồi dừng lại trước vạch dừng khi đèn đỏ là hoàn toàn đúng quy định.

2. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Luật GTĐB 2008 về Chuyển hướng xe thì: “Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.”

Do đó khi đèn xanh bật sáng, bạn cho xe rẽ phải mà không có tín hiệu báo hướng rẽ (cụ thể là bạn không bật đèn xi nhan rẽ phải) là đã vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 15 Luật GTĐB 2008 về Chuyển hướng xe.

Theo đó, với hành vi “Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ” theo quy định tại Điểm a, khoản 4, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB bạn sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng.

3. Việc bạn không xuất trình giấy tờ xe khi CSGT yêu cầu, không ký biên bản xử phạt vi phạm giao thông đã vi phạm “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông” theo đó bạn sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng.

Như vậy, tổng cộng bạn sẽ bị phạt tiền 600.000 đồng và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng.


Phan Cao Anh - 09:13, 03/12/2014

Tôi là người dân có nhà ở đoạn đường tránh Phù Mỹ hiện đang thi công. Hiện tại, các xe lu, ủi, tải ngày đêm hoạt động làm cho nhà tôi cũng như phần lớn nhà các hộ dân ở đây xuất hiện nhiều vết nứt, lún. Xin hỏi việc này do ai chịu trách nhiệm, chúng tôi phải ý kiến việc này lên Cơ quan chức năng nào và phương án giải quyết cụ thể như thế nào? Xin chân thành cảm ơn!

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 09:36, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT tỉnh xin trả lời như sau:

Theo thông tin từ Ban QLDA 2, Tuyến tránh quốc lộ 1 Phù Mỹ đang được triển khai thi công theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT. Vì vậy các nhà thầu thi công phải tiến hành thi công 03 ca để đáp ứng yêu cầu tiến độ trên. Trong quá trình thi công, việc các xe thi công có thể gây ảnh hưởng đến các công trình dân sinh. Về việc này, Chủ đầu tư dự án đã tiến hành mời Công ty bảo hiểm công trình PVI tiến hành đi thị sát và đánh giá hiện trạng các công trình dân sinh trong phạm vi ảnh hưởng. Trong trường hợp các nhà dân bị lún nứt do máy móc thiết bị thi công gây ra thì chúng tôi sẽ thông báo đến công ty bảo hiểm và các cơ quan liên quan tiến hành giải quyết theo quy định.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!

 

Nguyễn Minh Hoàng - 19:16, 30/11/2014

Bạn tôi uống rượu say nên trên đường đi làm về đã gây ra tai nạn giao thông làm chết một người đi bộ sang đường. Sau đó gia đình bạn tôi đã gặp gỡ gia đình người bị nạn và đã thực hiện việc bồi thường đầy đủ các chi phí cho họ, gia đình người bị hại cũng có đơn xin không xử lý hình sự đối với bạn tôi. Xin qúy cơ quan cho biết trong trường hợp này, ban tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự nữa không ?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 09:35, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, Tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự (BLHS) chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần thể chất.”

Như vậy, Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 không thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do đó trong trường hợp này, mặc dù gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại, nhưng theo quy định thì người gây tai nạn (tức bạn của bạn) vẫn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc gia đình và bản thân người gây tai nạn đã kịp thời bồi thường, tích cực tham gia khắc phục hậu quả, được gia đình nạn nhân bãi nại là những tình tiết để được cơ quan tố tụng xem xét, giảm nhẹ hình phạt đối với bạn của bạn.

 

Lê Văn Đức - 10:02, 03/12/2014

Sắp tới gia đình tôi có hoạt động một số lĩnh vực trên đường thủy. Xin hỏi những hành vi nào bị cấm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa?

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Trưởng phòng PC68 Công an tỉnh - 10:24, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Phòng Cảnh sát đường thủy trả lời như sau:

Theo quy định tại điều 8 của Luật giao thông đường thủy nội địa thì các hành vi sau đây bị cấm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa:

1. Phá hoại công trình giao thông đường thủy nội địa; tạo chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy nội địa.

2. Mở cảng, bến thủy nội địa trai phép; đón, trả người hoặc xếp dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định.

3. Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc công trình khác trên dường thủy nội địa và vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

4.  Đổ đất đá, cát sỏi hoặc chất thải khác trái phép, khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng.

5. Đưa phương tiện không đủ đều kiện hoạt động quy định tại điều 24 của luật này tham gia giao thông đường thủy nội địa; sử dụng phương tiện không đúng công dụng hoặc vùng đã ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỷ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.

6. Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp.

7. Chở hàng hóa độc hại, dễ cháy, dễ nổ, động vật lớn chung với hành khách; chở quá số người theo quy định hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn.

8. Làm việc trên phương tiện khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 40 miligam/1 lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

9. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; xâm phạm tính mạng, tài sản khi phương tiện bị nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn.

10. Vi phạm báo hiệu hạn chế tạo sóng hoặc các báo hiệu cấm khác.

11. Tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép phương tiện trên đường thủy nội địa; lạng lách gây nguy hiểm cho phương tiện khác.

12. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoạc cho phép thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

13. Các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Xin cảm ơn!

 

Nguyễn Thị Liễu - 09:54, 03/12/2014

Mới đây gia đình tôi có mua một chiếc tàu cũ. Trước khi đưa vào sử dụng gia đình tôi đã tiến hành sửa chữa. Nhưng khi đưa vào sử dụng gia đình tôi đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì lý do tự ý thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện. Tôi xin hỏi việc xử phạt gia đình tôi như vậy đúng hay sai?

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Trưởng phòng PC68 Công an tỉnh - 10:11, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi giao lưu. Phòng Cảnh sát đường thủy trả lời như sau:

Trước hết phải khẳng định rằng việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt trường hợp phương tiện gia đình bạn tự ý thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện là chính xác.

Theo điểm b, khoản 3, điều 43, Nghị định 93/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa quy định những vi phạm về thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000  đồng đối với chủ phương tiện hoặc thuyền viên tự ý hoán cải, hoặc tự ý thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện.

Xin cảm ơn!

 

Phạm Minh Toại, 33 tuổi - 14:45, 02/12/2014

Cho tôi hỏi: Hành vi để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ; để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Ông Nguyễn Quả - Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải - 10:09, 03/12/2014

Vấn đề ông hỏi, Sở Giao thông vận tải Bình Định xin được phép trả lời như sau:

Căn cứ Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định. Các hành vi vi phạm nêu trên bị xử lý như sau

- Đối với hành vi để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ:

Theo điểm a, điểm e, khoản 4 Điều 12 quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000đ đến 10.000.000đ đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ khoản 5 Điều 20 (khoản 5 Điều 20: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng quy định);

e) Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;

- Đối với hành vi để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông bị xử lý như sau:

Theo điểm b khoản 2 Điều 11: Phạt tiền từ 200.000đ đến 400.000đ đối với cá nhân, từ 400.000đ đến 800.000đ đối với tổ chức thực hiện hành vi để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông.

Sở GTVT rất cảm ơn sự quan tâm của ông về vấn đề này, nhân đây Sở GTVT xin được phép thông báo với ông biết: nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân nào có các hành vi vi phạm nêu trên trong địa bàn tỉnh thì thông báo trực tiếp cho Thanh tra Sở GTVT Bình Định để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

 

Ngô Thị Hồng - 19:14, 30/11/2014

Tại một số địa điểm trên đường quốc lộ hay đường TP có mấy địa điểm bán MBH. Mũ bán ở đó có đạt chuẩn không? CA đã có biện pháp tuyên truyền gì đến họ chưa?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 10:12, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm ký hiệu QCVN 2:2008/BKHCN thì:

Xét về kiểu dáng, có 3 loại mũ cơ bản sau:

- Mũ che nửa đầu: Mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ;                       

  - Mũ che cả đầu và tai: Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm và vùng tai của người đội mũ;

  - Mũ che cả đầu, tai và hàm: Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm, vùng tai và cằm của người đội mũ.

 * Các loại mũ có thể có kính che hoặc không có kính che.

Về Dấu hiệu nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn là:

1.1. Về thành phần cấu tạo bắt buộc phải gồm 3 phần chính như sau:

-  Vỏ mũ (Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh sắc. Không được sử dụng đinh tán, bu lông, đai ốc, khoá quai đeo có các gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ.);

-  Lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ);

-  Quai đeo.

1.2.  Về mặt pháp lý mũ bảo hiểm trước khi đưa ra lưu thông đều phải tuân thủ như sau:

* Nhãn mũ bảo hiểm sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:

- Tên sản phẩm (phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”);

- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;

- Cỡ mũ;

- Tháng, năm sản xuất.

+ Có gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm ký hiệu QCVN 2:2008/BKHCN.

* Đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu, đều phải được ghi nhãn và thể hiện dấu hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm ký hiệu QCVN 2:2008/BKHCN. Đồng thời có gắn nhãn phụ với các thông tin tối thiểu bao gồm:

- Tên sản phẩm (phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”);

- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối;

- Xuất xứ hàng hóa;

- Cỡ mũ;

- Tháng, năm sản xuất.

* Mũ lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy (CR) và nhãn mũ ghi đầy đủ nội dung theo quy định.

Để biết được các địa điểm đó bán mũ bảo hiểm có đạt chuẩn không thì phải căn cứ vào các quy định trên để nhận biết. Thời gian qua lực lượng Công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các pano, băng rôn, tờ rơi... đồng thời trong quá trình tuần tra , kiểm soát luôn nhắc nhở người tham gia giao thông nhận biết , phân biệt mũ bảo hiểm nào đạt chuẩn và không đạt chuẩn./.

 

Nguyễn Bá Quân - 09:46, 03/12/2014

Chào anh (chị) . Cho em hỏi, Khi xe công ty (Công ty du lịch) đi đăng kiểm, ban kiểm định yêu cầu xe phải có Logo bên cánh cửa theo thông tư 10/2014-BGTVT, Nhưng trong thông tư này không nêu rõ Logo phải như thế nào, bao gồm những thông tin nào mới đúng quy định. Anh chị có thể cho em biết rõ những thông tin cần in trong Logo để đúng với quy định khi đăng kiểm không ạ? Cảm ơn!

Ông Phạm Đại Lâm - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm - 10:34, 03/12/2014

Ban ATGT xin cảm ơn bạn đã tham gia vào buổi giao lưu trực tuyến về ATGT. Đối với vấn đề bạn hỏi, Ban ATGT xin trả lời như sau:

Theo Quy định tại khoản 1 điều 2 Thông tư 10/2014/TT-BGTVT ngày 23/4/2014 và Hướng dẫn số 3255/ĐKVN-VAR ngày 6/8/2014 của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì: Biểu trưng, thông tin kẻ trên cánh cửa xe hoặc thành xe; biển số ở thành sau và hai bên thành xe được kẻ bằng sơn hoặc dán bằng băng dính màu (decal ni lông) đảm bảo chắc chắn không bị bong tróc. Nội dung biểu trưng, thông tin kẻ trên cánh cửa xe hoặc thành xe được quy định đối với từng loại phương tiện như sau:

1. Nội dung và vị trí niêm yết thông tin:

1.1. Đối với ôtô chở người kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định hoặc theo hợp đồng:

- Nội dung: Tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải.

- Vị trí niêm yết: Mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

1.2. Đối với ôtô khách thành phố (ôtô buýt)

- Nội dung: Số hiệu tuyến; giá vé và số điện thoại của đơn vị vận tải.

- Vị trí niêm yết: Thành bên phải theo chiều tiến của xe.

1.3. Đối với ôtô taxi:

- Nội dung: Tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh taxi.

- Vị trí niêm yết: Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

1.4. Đối với ôtô tập lái:

- Nội dung: Tên cơ sở đào tạo lái xe, cơ quan quản lý trực tiếp và số điện thoại liên lạc.

- Vị trí niêm yết: Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

1.5. Đối với ôtô tải (trừ xe có tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe là cá nhân và không kinh doanh vận tải hàng hóa).

- Nội dung: Tên, số điện thoại đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa; khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông; khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông;

- Vị trí niêm yết: Trên cánh cửa xe.

1.6. Đối với ôtô đầu kéo:

- Nội dung: Tên, số điện thoại đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa; khối lượng bản thân; khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông (tác động lên cơ cấu kéo); khối lượng toàn bộ cho phép kéo theo.

- Vị trí niêm yết: Trên cánh cửa xe.

 1.7. Đối với rơ mooc, sơmi rơmooc:

- Nội dung: Tên, số điện thoại đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa; khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông; khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông.

- Vị trí niêm yết:

+ Trường hợp rơmooc và sơmi rơmooc có thành thùng chở hàng: Mặt ngoài hai bên thành thùng.

+ Trường hợp rơmooc và sơmi rơmooc không có thành thùng chở hàng: Niêm yết thông tin trên bảng bằng kim loại (kích thước Dài x Rộng: 300 đến 400 mm x 200 mm) được gắn với khung xe tại vị trí dễ quan sát bên cạnh hoặc phía sau. Khoảng cách từ cạnh thấp nhất của bảng tới mặt đường không được nhỏ hơn 500 mm (nếu gắn ở bên cạnh) và 700 mm (nếu gắn ở phía sau).

2. Hình thức và tên đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa:

- Nội dung niêm yết sử dụng chữ in hoa; khung hình bao ngoài của nội dung niêm yết có thể là hình chữ nhật, hình tròn hoặc hình bán nguyệt tùy thuộc lựa chọn của chủ xe để phù hợp với vị trí và diện tích niêm yết trên xe.

- Tên đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa là tên đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ôtô hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Như vậy, căn cứ vào loại phương tiện của công ty, bạn có thể áp dụng các điều quy định trên để thiết kế logo của công ty bạn.

 

Trần Ngọc Hoàn - 10:17, 03/12/2014

Theo quy định hiện tại, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự... có quyền được dừng xe, xử phạt vi phạm giao thông hay không?

Ông Võ Ngọc Huynh - Phó Trưởng phòng PC 64 Công an tỉnh - 10:38, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 thì “Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

Căn cứ vào thẩm quyền xử phạt của lực lượng CSTT, CSCĐ, được quy định tại Khoản 4, Điều 68 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Có thể khẳng định lực lượng CSTT, CSCĐ  trong quá trình TTKS phát hiện hành vi lỗi thuộc thẩm quyền thì được phép dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý. 

 

Hoàng Ân - 10:21, 03/12/2014

Hiện trên tuyến QL 1A, đoạn từ trên ngả tư Gò Găng xuống Phù Mỹ có nhiều đoạn đường xuất hiện sóng đường lòi lõm rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử những đoạn đường này sao?

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông Vận tải - 10:39, 03/12/2014

Vấn đề bạn đọc quan tâm phản ánh, Ban ATGT tỉnh xin trả lời như sau:

Theo thông tin từ Ban QLDA 2, đoạn tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ ngã tư Gò Găng đến Phù Mỹ) thuộc công trình Mở rộng quốc lộ 1 đang được các đơn vị thi công phần mở rộng mặt đường. Đối với phần mặt đường cũ do vừa thi công vừa khai thác nên đã xuất hiện nhiều hư hỏng, trong đó mặt đường cũ đã xuất hiện hằn lún vệt bánh xe gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện trên tuyến. Việc sửa chữa khắc phục các hư hỏng nêu trên thuộc trách nhiệm của các đơn vị thi công. Ngoài ra, việc duy tu, sửa chữa mặt đường cũ trong phạm vi dự án Mở rộng quốc lộ 1 còn được chủ đầu tư công trình giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì là Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định. Vấn đề bạn đọc quan tâm, chúng tôi sẽ thông tin đến Ban QLDA 2 và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!

 

Nguyễn Anh Đức - 19:21, 30/11/2014

Tôi là người gây tai nạn giao thông. Nạn nhân đang lưu thông trước mặt tôi thì bất ngờ băng qua đường mà không có tín hiệu (xinhan) khiến tôi không kịp dừng lại và tông vào xe nạn nhân. Nạn nhân bị gãy chân, phải phẫu thuật gắp xương. Tôi đã đưa nạn nhân vào bệnh viện và đưa trước cho nạn nhân 1 triệu đồng. Xin hỏi theo luật thì tôi có sai hay không? Phải chịu bồi thường như thế nào?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 10:54, 03/12/2014

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:

Trường hợp của bạn: Muốn xác định bạn có lỗi hay không có lỗi trong vụ TNGT trên phải căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của nhân chứng... và do cơ quan Công an kết luận. Do vậy, đề nghị bạn nên liên hệ với đơn vị trực tiếp thụ lý vụ TNGT để được giải thích rõ hơn. 

 

Phạm Văn Toàn - 14:47, 02/12/2014

Vừa qua, tôi đi xe máy nhưng không có giấy tờ xe, không đội mũ bảo hiểm (có chở 1 người) và đã bị các anh cảnh sát giao thông giữ xe và xử phạt 3.100.000 đồng. Cho tôi hỏi: Mức xử phạt như vậy có đúng không?

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh - 10:55, 03/12/2014

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Nội dung bạn hỏi, bạn không nêu rõ là bạn không mang theo những loại giấy tờ nào và người ngồi sau có đội mũ bảo hiểm hay không, thời gian từ khi xe bạn bị tạm giữ cho đến khi bạn đến thực hiện quyết định xử phạt là bao nhiêu ngày .

Chúng ta xem như trường hợp này là cả 2 bạn đều không đội mũ bảo hiểm và bạn lái xe không mang theo cả 3 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận Đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của ngày 13/12/2013 Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB và ĐS bạn sẽ bị xử lý như sau:

- Hành vi “Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ” bị phạt 100.000 đến 200.000 đồng. (02 người vi phạm bị phạt 300.000 đồng).

- Người điều khiển xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng.

- Theo Khoản 3 Điều 17, Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (Tạm giữ phương tiện đến 07 ngày) đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi vi phạm: “Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định”.

- Phí giữ xe trong thời gian từ khi xe bạn bị tạm giữ cho đến khi bạn đến thực hiện quyết định xử phạt. Vấn đề nầy bạn phải cho biết đã giam giữ xe bao nhiêu ngày thì mới biết số tiền trông giữ xe và cộng vào số tiền xử phạt./.

 

 

 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật