|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 7.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh và siêu mạnh. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện các bộ, ngành báo cáo về kết quả phân vùng, phạm vi gió mạnh của bão, nước biển dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam; nhận định về vùng ảnh hưởng và tác động của gió, bão đến cơ sở hạ tầng, nhà cửa; kết quả triển khai xây dựng các quy định, hướng dẫn về xây dựng nhà ở, công trình theo phân vùng bão và điều kiện thiên tai ở từng vùng; một số nội dung về công tác triển khai ứng phó với bão mạnh, siêu bão; hướng dẫn tàu thuyền, trú và neo đậu khi có bão, áp thấp nhiệt đới,…

Đối với công tác phòng chống lụt bão (PCLB) tại Bình Định, hiện nay tỉnh Bình Định đang xây dựng, triển khai phương án PCLB năm 2014 theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Trong đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp PCLB để chủ động ứng phó…Tuy nhiên, để phòng chống được các cơn bão mạnh và siêu bão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà kiến nghị Chính phủ cần tăng cường công tác dự báo trên biển và trên đất liền kịp thời; có bản đồ ngập lụt nước biển dâng; hướng dẫn xây dựng nhà kiên cố, đủ sức chống chọi với bão mạnh và siêu bão.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu và đề xuất những giải pháp ứng phó với thiên tai. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có nghiên cứu, cụ thể hơn các phương án phòng, chống bão; nâng cao năng lực dự báo để sơ tán sớm người dân khỏi vùng có bão nhằm hạn chế thiệt hại. Yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng phương án bổ sung để đối phó với bão mạnh và siêu bão trên cơ sở phân vùng, muộn nhất phải báo cáo với Trung ương vào tháng 6/2015. Đồng thời tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về hậu quả của bão và siêu bão, cũng như các biện pháp ứng phó khi bão đổ bộ./.

Theo báo cáo phân vùng của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bình Định thuộc phân vùng III (Đà Nẵng - Bình Định) có tần số bão trung bình hàng năm từ 0,2- 0,1 cơn; mùa bão lệch về cuối mùa hè, khoảng tháng 10, 11; cường độ bão ghi nhận được là cấp 13.

Nguy cơ nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tới 1,5 m, trong tương lai khi bão có khả năng mạnh hơn, nước dâng do bão có thể lên trên 2,0 m. Trong trường hợp xảy ra vào thời kỳ triều cường, mực nước tổng cộng trong bão có thể lên trên 3,0 – 3,2 m.

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thanh


Tin nổi bật Tin nổi bật