|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo Định hướng phát triển thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2030

Hôm nay 15.12, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2030. Đến dự có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh; TS. Trần Du Lịch – nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trưởng Nhóm tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhận định Hội thảo “Định hướng phát triển thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2030” có nhiệm vụ định hướng mô hình phát triển thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn trong thời gian tới, xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành kinh tế động lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có để đưa thị xã An Nhơn trở thành đô thị loại III và huyện Hoài Nhơn trở thành đô thị loại IV vào năm 2025.

Quang cảnh hội thảo.

Trong buổi sáng, Hội thảo đã dành toàn bộ thời gian để phân tích, dự báo các nhân tố mới, cơ hội mới, những khó khăn thách thức và đề xuất các ý tưởng, giải pháp định hướng phát triển thị xã An Nhơn trong thời gian tới.

Định hướng phát triển thị xã An Nhơn

Tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Bình – Trường Đại học Kinh tế đã góp ý định hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế nhằm phát huy lợi thế của thị xã An Nhơn. Ông cho rằng, thị xã An Nhơn cần duy trì tốc độ tăng trưởng trên cơ sở tạo ra và phát huy các động lực tăng trưởng kinh tế, chính là công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên việc thúc đẩy phát triển công nghiệp –tiểu thủ công nghiệp của thị xã phải đặt trong tổng thể phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, thị xã cần nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, là địa phương có nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, thị xã An Nhơn nên học tập mô hình du lịch của Hội An nhưng gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù của thị xã.

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, để trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ, đầu mối trung chuyển và giao lưu kinh tế, gắn kết phát triển giữa thành phố Quy Nhơn và các vùng phía Tây Nam tỉnh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, An Nhơn cần xây dựng 05 chiến lược: trung tâm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh; phát triển giao thông kết nối; phát triển mô hình cụm làng sinh thái gắn với hệ thống cấu trúc mặt nước, sinh thái nông nghiệp; phát triển du lịch dựa trên sự liên kết với các vùng lân cận; bảo vệ môi trường và bản sắc đô thị.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Bình Định đặt ra những vấn đề về sự phát triển toàn diện thị xã An Nhơn như: tập trung thu hút các nhà đầu tư lấp đầy Vùng công nghiệp phía Nam QL 19, KCN Nhơn Hòa và các CCN trên địa bàn thị xã để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh lớn sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm với làng nghề truyền thống.

Phát triển không gian đô thị thị xã An Nhơn trong mối liên kết với thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận

Cấu trúc phát triển không gian của An Nhơn hiện nay dựa trên 02 trục kinh tế chủ đạo là QL 19, QL 1A. Phần đô thị phát triển tập trung dọc QL 1A với 02 trung tâm chính trị của thị xã là Bình Định và Đập Đá. Các khu, cụm công nghiệp phát triển chủ yếu phía Tây Nam tại dọc QL 19 tại Nhơn Hòa, Nhơn Thọ. Dự kiến, thị xã An Nhơn sẽ phát triển theo hướng mô hình đô thị “02 hành lang kinh tế và 03 trung tâm đô thị động lực”. Trong đó, 02 hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc Nam dọc QL 1A ưu tiên phát triển đô thị tập trung, hành lang kinh tế Đông Tây QL 19 ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ; 03 trung tâm động lực gồm đô thị Bình Định – trung tâm hành chính, dịch vụ tổng hợp, đô thị Đập Đá – trung tâm thương mại dịch vụ phía Nam An Nhơn, trung tâm công nghiệp dịch vụ phía Tây Nam dọc QL 19B hỗ trợ phát triển công nghiệp dịch vụ cho An Nhơn trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại các vị trí phù hợp để tạo hiệu quả về kinh tế và duy trì hệ sinh thái của khu vực; sông Côn, hệ thống sông nhánh và làng xóm sinh thái sẽ là khung tự nhiên gắn kết các chức năng đô thị tạo nên sự cân bằng bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, liên kết vùng ngày càng trở nên cấp thiết. Theo đồ ăn quy hoạch vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035, thị xã An Nhơn sẽ trở thành đô thị loại III vào năm 2025. Khi đó, thị xã An Nhơn sẽ là một đô thị đảm trách nhiều chức năng cấp vùng và tiểu vùng liên huyện, đồng thời chia sẻ với thành phố Quy Nhơn những chức năng do yêu cầu phát triển trong tương lai. Theo các chuyên gia trong quá trình quy hoạch phát triển cần ưu tiên khẳng định các hướng liên kết vùng, xác định mô hình phát triển đô thị, hướng phát triển đô thị, ranh giới khu vực nội và ngoại thị, các chương trình phát triển đô thị trong các giai đoạn ngắn và dài hạn phù hợp với tình hình, xu thế và mục tiêu.

Nguồn lực nào để phát triển thị xã An Nhơn?

Để phát triển thị xã An Nhơn, các chuyên gia khẳng định tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn cần tạo những đột phát trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: hoàn thiện thể chế, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; nghiên cứu, triển khai áp dụng các cơ chế chính sách của Trung ương về huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế; tăng cường kỷ luật tài chính gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ở góc độ là một tổ chức tín dụng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, chính quyền thị xã cần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng quy mô hoạt động tại địa phương, mở rộng mạng lưới kinh doanh, triển khai dịch vụ ngân hàng nhằm huy động tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi của địa phương. Bên cạnh đó, cần tạo các cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng cam kết dài hạn hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các hợp tác xã tín dụng, đặc biệt là mở rộng các quỹ tín dụng nhân dân đến các xã.

Nguồn: Văn phòng UBND tỉnh


Tin nổi bật Tin nổi bật