A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân: Mới chỉ đạt 28% so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia

Ngày 7.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực Phan Cao Thắng cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cùng các sở, ngành của tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tại điểm cầu Bình Định.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc đầu tư phát triển giải quyết nhà ở xã hội, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là những hộ có thu nhập thấp, nhưng kết quả thực hiện chưa như mong muốn, nhiều chương trình triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Đến nay, cả nước mới chỉ hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội với diện tích sử dụng 3,7 triệu m2 tương đương 71.150 căn hộ, đạt 28% so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Riêng tỉnh ta, năm 2016, kế hoạch của tỉnh xây dựng 217 căn hộ với diện tích 13.942 m2 sàn, đến nay tỉnh ta đã thực hiện đạt và vượt 500 căn hộ so với kế hoạch.

Theo các bộ, ngành trung ương và đại diện một số tỉnh thành trong nước, sở dĩ việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu là do việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, chưa hướng dẫn kịp thời chính sách phát triển nhà ở. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm theo quy định của pháp luật. Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp… chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội chưa đa dạng và còn hạn chế; thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, nhất là nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Việc xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn vay thương mại ngắn hạn, thu không đủ bù chi phí. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân còn thấp, nhưng vẫn muốn sở hữu nhà ở hơn là nhà thuê hoặc thuê mua, nên việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành trung ương phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi; cụ thể hóa chủ trương, chính sách phát triển nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước. Các địa phương cần phải khẩn trương hoàn thành Chương trình phát triển nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, khu công nghiệp… đảm bảo bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; khuyến khích cộng đồng và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Các địa phương  phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha do các chủ đầu tư nộp để đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Ủy Ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội - đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội…

Theo T.Sỹ (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật