Kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh
Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)
Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/6/2020, trên địa bàn tỉnh có 3.871 vụ VPHC với 3.982 đối tượng vi phạm (148 tổ chức, 3.815 cá nhân và 19 đối tượng khác). Người có thẩm quyền xử phạt đã ban hành 3.997 quyết định xử phạt VPHC; trong đó có 3.995 quyết định đã thi hành. Qua đó, thu phạt trên 13,286 tỷ đồng, tăng 80,9% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là trên 903 triệu đồng, tăng 132,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hành vi VPHC của cá nhân chủ yếu trên các lĩnh vực: Đất đai; xây dựng; môi trường; trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; thương mại (hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…); vệ sinh an toàn thực phẩm; mỹ phẩm, dược phẩm, y tế; nhãn hàng hóa (lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa…); khoáng sản; lâm nghiệp (phá rừng, buôn bán động vật rừng và gỗ trái phép…); thủy sản (khai thác thủy sản trái quy định, không đảm bảo an toàn khi tham gia khai thác thủy sản...); quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (vi phạm quy định về điều kiện con người, điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng; sơ chế sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y về cơ sở); quốc phòng an ninh,…
Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt VPHC thường được áp dụng như: Tạm giữ người; tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người, phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính,… Nhìn chung, các hình phạt đã đem lại hiệu quả và mang tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm, góp phần hạn chế tình trạng VPHC.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý VPHC; kịp thời sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, hạn chế của Luật Xử lý VPHC và các nghị định có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi áp dụng trong thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung thông tư quy định chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo hướng kéo dài thời hạn báo cáo tại địa phương để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện. Phối hợp với Bộ Tài chính quy định thêm các mức chi hỗ trợ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đối với một số nhiệm vụ quan trọng. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính bổ sung biên chế và kinh phí cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các sở, ngành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xử lý VPHC theo quy định. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ xử lý VPHC trong một số lĩnh vực cụ thể cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý VPHC tại địa phương. Hoàn thiện và tổ chức tập huấn về việc cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Kim Loan