Bình Định: Báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020
Trong thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm và thực hiện theo đúng kế hoạch phê duyệt. Tính đến năm 2020, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 13.890,3 ha, trong đó: Năm 2017: 3.018,5 ha; năm 2018: 3.482,7 ha; năm 2019: 3.338,9 ha; năm 2020: Ước thực hiện 4.050,2 ha.
Việc thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, các cây trồng cạn chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa như: chuyển đổi từ 2 vụ lúa sang trồng lúa - lạc lợi nhuận tăng khoảng 24 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng ngô lai lợi nhuận tăng trên 5 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng lạc lợi nhuận tăng trên 28 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng mè lợi nhuận tăng trên 13 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng đậu xanh, đậu đen lợi nhuận tăng từ 4 - 12 triệu đồng/ha so với trồng lúa.
Ngoài ra, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi diện tích đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa/ lúa hoặc chuyển sang cây trồng hàng năm; đất 1 vụ lúa chuyển đổi sang cây hàng năm hoặc cây lâu năm, trong đó phát triển cây ăn quả ở những vùng có điều kiện. Cây trồng hàng năm ưu tiên chuyển đổi như ngô, lạc, rau các loại, đậu các loại, cỏ chăn nuôi…
Để tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp từng vụ, từng năm. Mặt khác, căn cứ điều kiện thời tiết, nhất là nguồn nước tưới để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương khoanh vùng, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa; đồng thời, xác định loại cây trồng để chuyển đổi phù hợp với điều kiện sản xuất, từng chân đất, mùa vụ; tập trung chỉ đạo, đảm bảo chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thùy Trang