Tình hình triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nghề Luật sư hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung Đề án 123 của Chính phủ và các văn bản liên quan về luật sư đến các thành viên trong Hội đồng phối hợp phổ biến pháp luật tỉnh; Báo cáo viên Pháp luật tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành của tỉnh và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành tư pháp.
Sau 10 năm triển khai thực hiện các nội dung của Đề án 123, công tác quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh được tăng cường, sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhận thức của người dân đối với hoạt động của luật sư đã được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đội ngũ luật sư, chất lượng luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỉnh Bình Định hiện có 55 luật sư; trong đó có 52 luật sư là thành viên của Đoàn luật sư tỉnh, 03 luật sư chưa hành nghề và chưa tham gia vào Đoàn luật sư tỉnh; không có luật sư tham gia vụ việc liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Lĩnh vực hành nghề truyền thống là tham gia hoạt động tố tụng về hình sự, dân sự và tư vấn pháp luật. Trên địa bàn tỉnh có 23 tổ chức hành nghề luật sư nhưng chưa có tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Việc đào tạo, bồi dưỡng để chọn lựa các luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế còn khó khăn; không có môi trường để luật sư cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Số lượng luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại còn ít; chất lượng của đội ngũ luật sư còn hạn chế.
Trong khi đó, chế độ, chính sách thu hút đối với luật sư chưa thỏa đáng. Một số quy định về thủ tục hành chính luật sư còn vướng mắc, chưa rõ ràng. Việc Nhà nước chưa duy trì chính sách khuyến khích phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý trong nền kinh tế thị trường; một số cơ quan quản lý như thuế, tài chính chưa hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng chính sách thuế, về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp luật sư cho tổ chức hành nghề luật sư cũng gây khó khăn cho công tác này.
Trước tình hình đó, tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan lĩnh vực luật sư cho phù hợp và đồng bộ. Xây dựng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có quy mô vừa và nhỏ trong việc tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo tiếng anh pháp lý, thương mại và kiến thức pháp luật quốc tế; chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với đội ngũ luật sư trong ngành tư pháp nói chung và Đoàn luật sư nói riêng. Mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho công chức hoặc các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh về việc thực hiện phát triển luật sư hội nhập kinh tế quốc tế; thường xuyên mở các cuộc hội thảo về tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư; cung cấp, hỗ trợ các tài liệu về kỹ năng nghề nghiệp của luật sư trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Kim Loan