Khẩn trương cứu trợ, không để dân lạnh và đói
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra điểm sạt lở kè sông An Lão tại thôn Vạn Long, xã An Hòa, An Lão. Ảnh: H.PHÚC
Hậu quả nặng nề
Theo báo cáo của huyện An Lão, các đợt mưa lũ từ ngày 1.11 - 17.12 đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn huyện. Đã có 2 người chết, 180 ngôi nhà bị ngập, hàng chục ngôi nhà bị sập, hư hỏng, hơn 44 ha ruộng bị sa bồi thủy phá. Mưa lớn đã phá hủy hầu hết các tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện. Như, tuyến đường từ thôn An Hậu (An Quang) đến thôn 1, 3 xã An Nghĩa bị sạt lở ở dốc Ông Lắm, dốc Cổng Trời với khối lượng gần 13.000m3; đường tại các xã An Trung, An Dũng, An Vinh bị sạt lở tại thôn 6 (xã An Trung), các thôn 1, 2, 3, 4 của xã An Dũng với khối lượng gần 3.500m3. Đặc biệt, tuyến đường từ xã An Hòa đi xã An Toàn dài 31 km bị sạt lở 8 điểm, khiến 2 xã An Nghĩa và An Toàn bị cô lập. Ông Nguyễn Hiệp, 80 tuổi, thôn Vạn Khánh (An Hòa), nói: “Tui chưa từng thấy cơn lụt nào dữ dội như vậy. Gia đình bị mất 15.000 cây keo giống, đoạn đê sông gần 1 km bị sạt lở gần 30 m, khiến nhà tui đang ngấp nghé bên sông”.
Gởi suất hỗ trợ cho gia đình bà Phạm Thị Lữ (xã An Hòa). Ảnh: H.PHÚC
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết tổng giá trị thiệt hại trong các đợt lũ gây ra cho huyện trong hơn 1 tháng qua gần 45 tỉ đồng. Sáng nay, huyện đã thuê xe thồ vận chuyển mì tôm, lương khô, nước uống đến cho bà con 2 xã An Toàn và An Nghĩa bị cô lập. Chúng tôi đang điều các máy đào, múc, ủi khắc phục các điểm bị sạt lở trên tuyến đường An Hòa - An Toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: T.SỸ
Còn tại Hoài Nhơn, huyện đã hỗ trợ 20.000 bao cát để khắc phục khẩn cấp bờ sông, suối sạt lở; trích ngân sách mua hơn 5.400 thùng mì tôm và 9.000 chai nước cứu trợ khẩn cấp các vùng bị cô lập; chuyển 400 kg lương khô và 800 chai nước Bộ Công Thương hỗ trợ cho 5 xã bị thiệt hại nặng; đồng thời chi ngân sách mua hơn 150 tấn lúa giống và dự kiến mua thêm 180 tấn hỗ trợ người dân gieo sạ lại vụ Đông Xuân 2016 - 2017.
Thăm và hỗ trợ cho bà Nguyễn Thị Lựu ở thôn Lộc Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước đã bị mưa lũ làm sập nhà hoàn toàn. Ảnh: T.SỸ
Tại huyện Tây Sơn, mưa lũ đã làm hư hỏng nặng cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, trong đó nặng nhất là tuyến đường phía Tây thuộc địa bàn xã Bình Thuận bị mưa lũ làm vỡ đứt 50 m; nhiều đoạn bị nước lũ khoét sâu vào thân đường, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Nước lũ mang theo đất đá bồi lấp nhiều diện tích đất sản xuất của người dân ở phía Đông tuyến đường. Tại xã Bình Tân, tuyến đường liên xã cũng bị mưa lũ làm vỡ đứt 1 đoạn dài 20 m, chia cắt giao thông giữa các xã Bình Tân, Bình Hòa, Bình Thuận... Cách tuyến đường này không xa, tuyến kênh mương Văn Phong thuộc xã Bình Thuận cũng đã bị nước lũ làm sập nhiều điểm; một đoạn dài khoảng 50 m đã bị nước lũ cuốn phăng, tạo thành dòng sông mang các tảng bê tông, đất đá đổ dồn xuống ruộng đồng của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra các tuyến đường giao thông, thủy lợi bị hư hỏng trên địa bàn huyện Tây Sơn. Ảnh: T.SỸ
Tại huyện Tuy Phước, ngày 18.12 nước lũ đã rút nhiều nhưng nhiều địa phương vẫn còn ngập nước. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đến thăm nhà anh Đào Văn Chiến, ở thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn trong lúc gia đình đang chuẩn bị mai táng cho chị Nguyễn Thị Thanh Loan. Theo bà con lối xóm, chị Loan bị đuối nước cách nhà khoảng 100 m, để lại 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Anh Chiến không có việc làm ổn định, sức khỏe yếu, nên kinh tế gia đình rất khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ mất mát với gia đình anh Nguyễn Đình Quốc (xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn), người vừa mất trong đợt mưa lũ. Ảnh: H.PHÚC
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Nước lũ rút chậm. Hiện có 2.900 hộ dân ở các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận vẫn còn bị ngập. Đến ngày 18.12, mưa lũ đã làm sập hoàn toàn 176 ngôi nhà; 130 m đê sông sạt lở, 130 m đê sông vỡ đứt.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho hộ gia đình anh Đào Văn Chiến, ở thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn có người chết do mưa lũ. Ảnh: T.SỸ
Không để dân đói và sống cảnh “màn trời chiếu đất”
Kiểm tra thực tế tại các khu vực sạt lở đá tại núi Đá Mọc (thôn Vạn Long, xã An Hòa), đoạn sạt lở gần 1 km kè sông An Lão gây nguy hiểm cho gần 1.000 hộ thuộc hai thôn Vạn Long, Vạn Khánh (An Hòa); sạt lở núi tại khu vực Km 15 + 700 trên tuyến đường An Hòa - An Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đề nghị huyện An Lão tập trung mọi nguồn nhân lực, quán triệt phương châm 4 tại chỗ, khắc phục ngay các điểm sạt lở. Những khu vực nào có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, phải cử người túc trực, làm gác chắn, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân.
Mưa lũ gây lở núi khiến 13.000m3 đất, đá tràn xuống đường làm cô lập 2 xã An Nghĩa, An Toàn của huyện An Lão. Ảnh: H.PHÚC
Sau khi kiểm tra hiện trường và thăm hỏi người dân vùng trũng thuộc 2 huyện Tây Sơn và Tuy Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đã chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Trước mắt, xuất cấp thêm lương thực, thực phẩm và huy động phương tiện, lực lượng vận chuyển lương khô, mì tôm cứu trợ các hộ gia đình có người bị chết, bị thương do lũ; hộ có nhà bị sập, hư hỏng và hộ có nhà bị ngập sâu trong nước nhiều ngày qua. Với quyết tâm cao nhất, trên tinh thần đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, nhất quyết không để người dân bị đói và chịu cảnh màn trời chiếu đất. Riêng đối với những hộ có nhà bị sập hoàn toàn, ngoài số tiền hỗ trợ của tỉnh là 40 triệu đồng/hộ, tỉnh sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí cho các hộ dân xây dựng nhà ở. Các công trình giao thông thuộc tỉnh quản lý bị mưa lũ làm hư hỏng, vỡ đứt, UBND tỉnh giao Sở GTVT kiểm tra rà soát cụ thể mức độ thiệt hại, huy động phương tiện, vật tư, lực lượng tiến hành gia cố, khắc phục tạm để người dân đi lại. Sở NN&PTNT, Ban quản lý các dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng. Riêng đoạn kênh mương Văn Phong tại xã Bình Thuận (Tây Sơn) bị vỡ đứt, sau khi nước lũ rút, tập trung xây dựng, hàn khẩu để phục vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017. Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm bao cát; điều chỉnh, xác định lại lịch thời vụ gieo sạ thông báo cho các địa phương biết để điều hành chỉ đạo, sản xuất. Đối với cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi do các địa phương quản lý, trước mắt địa phương trích ngân sách, huy động phương tiện, vật tư, nhân lực tiến hành sửa chữa, hàn khẩu các đoạn đường, kênh mương bị hư hỏng, vỡ đứt; kiểm tra diện tích đất sản xuất bị mưa lũ gây sa bồi thủy phá, có phương án hỗ trợ dân khôi phục để đưa vào sản xuất. Các hội- đoàn thể trong tỉnh huy động hội viên cùng chung tay hỗ trợ, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Kênh Văn Phong thuộc địa bàn xã Bình Thuận bị nước lũ làm vỡ đứt một đoạn dài hàng chục mét. Ảnh: T.SỸ
Chiều 18.12, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, mực nước lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống chậm ở mức trên dưới báo động I, riêng hạ lưu sông Côn ở mức báo động I - II, có nơi trên báo động II. Mực nước hồ Ðịnh Bình lúc 15 giờ ngày 18.12 ở cao trình 91,92 m, lưu lượng nước đến 850 m3/giây và lưu lượng nước qua tràn 850 m3/giây. Ðập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ. Lúc 15 giờ ngày 18.12, lưu lượng đến 805m3/giây và lưu lượng qua tuyến đập là 805m3/ giây. Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Từ ngày 11- 18.12, toàn tỉnh có 16 người chết, 2 người mất tích. Hiện vẫn còn 6.150 hộ dân ở 17 xã bị ngập nước. T.SỸ |
Theo baobinhdinh.com.vn