Những nội dung nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh (từ ngày 19/6 – 26/6/2020)
- Tình hình sản xuất vụ Hè Thu: Một số địa phương như Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn đã tiến hành thu hoạch lúa vụ Hè, diện tích khoảng 2.150/38.164,5 ha, bằng 5,6% tổng diện tích gieo sạ. Toàn tỉnh đã thực hiện 148 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và cây trồng cạn với tổng diện tích 7.484 ha, tăng 20 cánh đồng so cùng kỳ năm 2019.
- Công tác chăn nuôi, thú y: Lực lượng thú y tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh lỡ mồm long móng trên trâu, bò, heo với 290 nghìn con; bệnh cúm gia cầm với hơn 2,1 triệu con. Các dịch bệnh trên gia súc gia cầm được các cơ quan chức năng quan tâm kiểm soát chặt chẽ nên không phát sinh. Đàn heo toàn tỉnh hiện có 627.730 con, tăng 1%; đàn bò 291.100 con, tăng 2,3%; đàn gia cầm 08 triệu con, tăng 3,7%, trong đó đàn gà 5,8 triệu con, tăng 5% so cùng kỳ.
- Sản xuất lâm nghiệp: Trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ phá rừng tại xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, diện tích thiệt hại 1,39 ha thuộc chức năng rừng sản xuất do UBND xã quản lý và 01 vụ khai thác rừng trái pháp luật tại khoảnh 2, tiểu khu 14, xã An Hưng, huyện An Lão với diện tích thiệt hại 0,3 ha thuộc quy hoạch chức năng rừng sản xuất do người dân quản lý, sử dụng. Cơ quan chức năng các địa phương đã và đang tiến hành xử lý các vụ việc nêu trên theo quy định pháp luật.
Do ảnh hưởng tình hình nắng nóng kéo dài, gây nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở một số địa phương như An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ; ngành kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương, chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về PCCC rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác tại các khu vực xung yếu, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ cháy rừng.
- Sản xuất thủy sản: Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 3.500 tấn; lũy kế sản lượng khai thác đến nay là 124.516 tấn, tăng 1,1% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 7.260 tấn, tương đương cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh khoảng 3.459,1 ha, tương đương cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi trồng nước ngọt 1.500 ha, nước lợ 1.959,9 ha.
UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách tàu cá đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình (đợt 01 năm 2020) với tổng cộng 927 tàu, trong đó thị xã Hoài Nhơn 831 tàu, thành Phố Quy Nhơn 96 tàu, tổng kinh phí hỗ trợ 9,4 tỷ đồng.
06 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 4 tàu cá/24 ngư dân khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Các cơ quan chức năng liên quan đã xử phạt hành chính 15/45 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2018, 2019 với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng; đồng thời, thu hồi vĩnh viễn giấy phép khai thác, kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm.
- Tình hình nguồn nước: Tính đến ngày 25/6/2020, mức nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đo được 171,7/589,9 triệu m3, đạt 29,1% dung tích thiết kế, bằng 74% so cùng kỳ, trong đó các hồ chứa do địa phương quản lý đạt 23,6/130,8 triệu m3, đạt 18,1% thiết kế, bằng 87,6% cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 98/165 hồ chứa có mực nước dưới 20%. Cùng với tăng cường chỉ đạo các biện pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, UBND tỉnh đã và đang tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm và sửa chữa, gia cố một số hồ, đập có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
- Về công thương: 06 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,11%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,14% so với cùng kỳ (riêng tháng 6/2020 Chỉ số IIP tăng 9,56% so với cùng kỳ). Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá, đạt 520,2 triệu USD, bằng 53,6% dự toán năm, tăng 14,6% so cùng kỳ. Hàng hoá thông qua cảng biển đạt 6,12 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Hiện có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Bình Định sản xuất, trong đó Châu Á chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 460 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 3.300 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 3,3% số doanh nghiệp và 8,5% về vốn đăng ký và có 100 doanh nghiệp giải thể hoặc chấm dứt hoạt động, 320 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 61% số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động so cùng kỳ.
Qua 2 tháng phát động Chương trình Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh lần thứ VI năm 2020, toàn tỉnh có 88 cơ sở công nghiệp nông thôn với 141 sản phẩm đăng ký tham gia, nhiều nhất là các cơ sở sản xuất tại thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và Phù Cát. Các sản phẩm tham gia bình chọn khá đa dạng, phong phú thuộc các nhóm chính như: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí;... phản ánh thế mạnh về phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sáng ngày 24/6/2020, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh tổ chức buổi Tọa đàm khu vực Trung bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong tình hình mới và triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tại TP Quy Nhơn. Mục đích buổi tọa đàm nhằm giúp các địa phương trong khu vực Trung bộ nắm bắt và nhận thức rõ hơn về các quy tắc cụ thể và vấn đề liên quan trong thực thi EVFTA, qua đó vận dụng hiệu quả trong xây dựng chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, chiến lược phát triển KT-XH, hỗ trợ cộng đồng DN chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới.
Sau khi được Trung ương cho phép nhập khẩu heo sống về Việt Nam tiêu thụ nhằm giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm nhẹ so với các tuần trước, dao động từ 78.000 – 82.000 đồng/kg; tuy nhiên, giá heo giống vẫn còn ở mức khá cao từ 02 - 05 triệu/con và khan hiếm nên người chăn nuôi gặp khó khăn trong công tác tái đàn heo.
- Về quy hoạch, xây dựng và giải phóng mặt bằng: Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía Đông đầm Thị Nại với phạm vi ranh giới thuộc các huyện Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, tổng diện tích quy hoạch khoảng 495ha. Mục tiêu Quy hoạch nhằm tận dụng thế mạnh về cảnh quan ven đầm để quy hoạch xây dựng các khu dân dụng, dịch vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quy Nhơn – Bình Định.
Nhằm kịp thời đón các làn sóng đầu tư FDI từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo tập trung đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất để kêu gọi đầu tư; tăng cường hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường…
UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng Nhà máy áp trứng gia cầm và xây dựng mới Nhà máy ấp trứng thủy cầm công nghệ cao do Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đăng ký đầu tư tại xã Cát Tân, huyện Phù Cát, với tổng vốn thực hiện gần 113 tỷ đồng; quy mô đầu tư mở rộng sản xuất gà giống 1 ngày tuổi/năm từ 30 triệu con tăng lên 50 triệu con và sản xuất từ 15-20 triệu con vịt giống một ngày tuổi/năm. Dự kiến Dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III/2022.
UBND tỉnh đã có Văn bản kiến nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị xã Hoài Nhơn, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), với tổng vốn đầu tư hơn 874 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của tỉnh hơn 264 tỷ đồng; thời gian thực hiện Dự án đến năm 2024.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Quy Nhơn bố trí kinh phí thực hiện công tác duy tu, sửa chữa để đảm bảo hoạt động giao thông an toàn, thông suốt trên tuyến đường từ Ngã ba Ông Thọ đến cầu Chợ Dinh; đồng thời, triển khai thực hiện khảo sát, nạo vét hệ thống thoát nước trên tuyến đường Hùng Vương và hệ thống thoát nước từ Khu công nghiệp Nhơn Bình ra sông Hà Thanh, để khắc phục tình trạng ngập nước trên tuyến đường Hùng Vương và các khu vực lân cận trong mùa mưa lũ.
- Về công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh:
UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 402 người lao động bán lẻ xổ số lưu động được hưởng chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh (đợt 1), với tổng số tiền hỗ trợ là 402 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đã bố trí 301 tỷ đồng để tăng chi cho các hoạt động y tế, đảm bảo an sinh xã hội và các công tác hỗ trợ kiểm soát, phòng chống dịch. Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho 1.266 hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng số tiền gia hạn khoảng 263 tỷ đồng.
- Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm (tính đến ngày 25/6/2020): Nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình như:
+ Đường trục Khu kinh tế nối dài: Đơn vị thi công đang tập trung thi công các hạng mục còn lại để đưa dự án đi vào khai thác sử dụng theo kế hoạch, như:
* Nền mặt đường và CTTN đoạn Km0-Km1+900: Giá trị thực hiện 137,8/155,99 tỷ, đạt 88,4% kế hoạch. Nhà thầu đang thi công gia cố chân khay, mái taluy hai bên, tôn hộ lan; hoàn thiện gia cố thương hạ lưu cống thoát nước ngang.
* Nền, mặt đường và công trình thoát nước đoạn Km1+900 – Km2+631,195; cây xanh và hệ thống điện chiếu sáng toàn tuyến: Giá trị thực hiện 70,9/100,981 tỷ đồng, đạt 70,2% kế hoạch. Nhà thầu đang thi công móng cấp phối đá dăm Dmax 25mm, thảm BTN C19.
* Nền, mặt đường và công trình thoát nước đoạn đoạn từ Km3+244,35 – Km4+00: Giá trị thực hiện 64,2/78,94 tỷ đồng, đạt 81,3% kế hoạch. Nhà thầu đang tiến hành dỡ tải nền đường.
* Nền mặt đường, công trình thoát nước Km4 ÷ Km5 và Cây xanh, điện chiếu sáng Km4 ÷ Km18+500: Giá trị xây lắp thực hiện 54/88 tỷ đồng, đạt 61,1% kế hoạch. Nhà thầu đang thi công đổ bê tông móng dải phân cách giữa, lắp đặt tấm lát mái ta luy.
* Nền mặt đường, công trình thoát nước Km5 ÷ Km7: Giá trị xây lắp thực hiện 60,2/99 tỷ đồng, đạt 60,5% kế hoạch. Nhà thầu đang triển khai thi công cốt thép, tường thân, bản mặt và đổ bê tông tường thân cống hộp 5x4x4m, 2x3x3m và 3x4x3m.
* Nền mặt đường, công trình thoát nước đoạn Km7 ÷ Km18+500: Nhà thầu đang lắp dựng tấm sóng tường hộ lan, đổ bê tông các đường giao dân sinh, thi công rãnh thoát nước, trồng cỏ mái ta luy...
+ Đường ven biển (ĐT 639) đoạn Cát Tiến đến Đề Gi, Phù Cát: Các hạng mục được đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, gồm:
* Nền mặt đường, công trình thoát nước đoạn Km16+764,9 - Km20 và cây xanh, điện chiếu sáng đoạn Km16+764,9 - Km26: Giá trị thực hiện đạt 12,2/90,148 tỷ đồng, đạt 9,2% kế hoạch. Nhà thầu đang thi công đào phá đá đèo Vĩnh Hội; đào nền đất cấp 3, cấp 4, đắp nền K98 và thi công cống D100...
* Nền mặt đường, công trình thoát nước đoạn Km20 ÷ Km37+628,65 và cây xanh, điện chiếu sáng đoạn Km26 ÷ Km37+628,65. Nhà thầu đang thi công gia công, lắp đặt cốt thép, đổ bê tông móng cống hộp, thi công nổ mìn phá đá C3, C4 tại vị trí đèo Tân Thanh.
- Khu kinh tế Nhơn Hội:
UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã họp, bàn thống nhất một số biện pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Định; theo đó, đã chỉ đạo Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Vân Canh khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư Dự án. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Vân Canh tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi Dự án; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai công tác GPMB phục vụ triển khai Dự án.
Khu Công nghiệp Nhơn Hòa (giai đoạn 2) đã được Chủ đầu tư hạ tầng thi công hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư với diện tích gần 80 ha/135 ha. Hiện đã thu hút 32 nhà đầu tư thuê đất triển khai dự án, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Công ty CP Chăn nuôi C.P (Thái Lan) thuê gần 11 ha đầu tư dự án nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm xuất khẩu; Tập đoàn Savvy Seafood (Đài Loan) thuê gần 3 ha xây dựng nhà máy chế biến thủy sản; Công ty CP Central Wood thuê hơn 8 ha xây dựng nhà máy sản xuất ván và đồ gỗ…
- Về giáo dục và đào tạo: Ngày 22/6/2020, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 17.918 thí sinh tham gia dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó có 17.717 thí sinh đang học lớp 12 hệ THPT, 291 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và một số thí sinh tự do; có 42 điểm thi, 768 phòng thi, 1.968 giáo viên tham gia coi thi. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất để chuẩn bị chu đáo cho công tác tổ chức kỳ thi; kiểm tra các thiết bị PCCC, hệ thống camera…; chuẩn bị các phương án đưa đón, hỗ trợ thí sinh nhà xa, khó khăn, phương án chấm thi, đảm bảo an ninh, an toàn,…
- Về nội chính, an toàn giao thông:
UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chở dăm gỗ, các vật liệu rời gây rơi vãi trên các tuyến đường Quốc lộ 1D, 19 và 19 mới; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ, chủ doanh nghiệp vận tải chuyên chở dăm gỗ phải ký cam kết đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển, không để rơi vãi trên các tuyến đường, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ phạm pháp hình sự, giảm 02 vụ so với tuần trước. Tai nạn giao thông xảy ra 09 vụ, làm 04 người chết, 07 người bị thương; so với tuần trước tăng 09 vụ, tăng 04 người chết và 07 người bị thương. Lực lượng CSGT toàn tỉnh tuần tra kiểm soát phát hiện lập biên bản 2.214 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thi hành quyết định xử phạt VPHC 1.772 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,1 tỷ đồng.
Ban Tiếp công dân tỉnh đã tiếp 34 lượt công dân đến Trụ sở tiếp công dân của tỉnh trình bày, gửi đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vụ việc (trong đó: Quy Nhơn: 17 lượt công dân, Tuy Phước: 10 lượt, An Nhơn: 05 lượt, Hoài Nhơn: 02 lượt), đã ban hành 10 Văn bản giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và chuyển đơn, trả lời, hướng dẫn cho công dân: 22 trường hợp.
Tiêu Tấn Hùng