|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo chuyển biến mới về chất lượng dạy và học

(binhdinh.gov.vn) Năm học 2014 - 2015 là năm ngành giáo dục Bình Định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Cổng thông tin điện tử Bình Định có cuộc phỏng vấn ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Bình Định


Năm học 2014 - 2015 là năm toàn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Vậy ngành đã triển khai những nhóm giải pháp trọng tâm nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo? Thưa ông?

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngành sẽ  triển khai 7 nhóm giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Thứ hai, đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Thứ ba,  phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thứ tư, phát triển mạng lưới trường, lớp học và quy mô giáo dục hợp lý, chú trọng phát triển giáo dục dân tộc.

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất- kỹ thuật trường học.

Thứ sáu,  triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh.

Thứ bảy, thực hiện hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.

 Xin ông cho biết đâu là giải pháp đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

Theo tôi, giải pháp đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó, ngành giáo dục tỉnh sẽ chú trọng vào việc giáo dục lý tưởng, truyền thống, nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, ý thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên. Tăng cường các hoạt động ngoài giờ, tập trung đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục  bảo đảm trung thực khách quan theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Trong đề án đổi mới này, có ý kiến cho rằng khâu đầu tiên được lựa chọn là đội ngũ giáo viên, quan điểm của ông về vấn đề này?

Đây  không phải là khâu đầu tiên mà là khâu xuyên suốt trong quá trình đổi mới, bởi lẽ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên phải đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Thời gian  qua, Sở tập trung tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp từ đó làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngành giáo dục tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và nâng cao trình độ chính trị.

Được biết, năm học vừa qua ngành giáo dục tỉnh nhà triển khai dạy, học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" đạt được nhiều thành côngđược Bộ GD&ĐT chọn báo cáo điển hình toàn quốc? Ông có thể đánh giá chất lượng của phương pháp này như thế nào?

Sau 03 năm thực hiện thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”, chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến đáng kể,  giáo viên đã tạo dựng được không khí lớp học sôi nổi, vui vẻ, phong cách năng động, xử lý tình huống nhanh. Việc áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học đã kích thích giáo viên đầu tư, suy nghĩ nhiều hơn trong giảng dạy, nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học. Ngoài ra, học sinh được tham gia các thí nghiệm, thảo luận nhóm, phát huy tính chủ động sáng tạo trong giờ học do đó tiết học trở nên sinh động, hiệu quả hơn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đại bộ phận giáo viên THCS ở các bộ môn Vật lý, Sinh học, Hóa học, Công nghệ…đã nỗ lực, sáng tạo, tìm tòi cách thức để áp dụng phương pháp BTNB vào thực tế giảng dạy và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT Bình Định sẽ triển khai nhân rộng việc áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ./.

 Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thị Thanh thực hiện

 



Tin nổi bật Tin nổi bật