A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 16 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

(binhdinh.gov.vn)-Sáng 25-12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 16 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

 

Tại hội nghị này, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp Bình Định giới thiệu những nội dung cơ bản, cùng những điểm mới của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 16 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

 

Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 sắp tới. Luật hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. So với Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở hiện hành, Luật hòa giải ở cơ sở vừa ban hành có nhiều điểm mới, nhất là luật đã quy định các chính sách để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; bổ sung qui định chính sách của Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở cũng như bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên ….   Hiện Bộ Tư pháp đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng văn bản hướng dẫn, kế hoạch tuyên truyền để Luật này sớm đi vào thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

 

Thực tiễn thi hành Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua cho thấy, hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc, xóm, phố yên vui, thúc đẩy đất nước phát triển. Tại Bình Định, cả tỉnh đã có 1.122 tổ hòa giải được thành lập ở thôn, làng, khu vực, cụm dân cư theo mô hình tự nguyện và tự quản, với 7.912 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã phát huy vai trò là “cầu nối” đưa pháp luật hướng về cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2009 đến 2012, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận gần 7.400 vụ việc, chủ yếu ở các lĩnh vực hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai,… và đã tiến hành hòa giải thành công 6.170 vụ, việc đạt 83%. Qua đó, đã góp phần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

 

XUÂN NGUYÊN

 


Tin nổi bật Tin nổi bật