VỪA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ, VỪA ỨNG PHÓ VỚI CÁC ÐỢT THIÊN TAI MỚI: Khẩn trương, chắc chắn & an toàn
Hoài Ân chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại
Có mặt tại huyện Hoài Ân từ rất sớm, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - đã kiểm tra thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các xã: Ân Tường Tây, Bok Tới, Ân Nghĩa và thăm hỏi động viên, tặng quà cho hộ gia đình bà Lê Thị Nhi (ở xã Ân Mỹ, là hộ nghèo, có nhà ở bị sập), chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoài Ân, mưa lớn dồn dập từ đêm ngày 5 đến sáng 6.11 đã làm cho mực nước sông Kim Sơn và sông An Lão dâng cao, gây sạt lở đất, sa bồi thủy phá; xói lở nghiêm trọng một số cầu, tràn; làm nhiều tuyến đường, nhiều diện tích hoa màu, cây cối bị hư hỏng nặng... Tổng thiệt hại do mưa bão gây ra sơ bộ ước tính hơn 56 tỷ đồng.
Nhiều đoạn kè sông Kim Sơn (huyện Hoài Ân) đã bị mưa lũ làm sạt lở
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho hay: Ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, thống kê thiệt hại, đồng thời triển khai nhanh các biện pháp khắc phục. Những ngày qua, bộ đội, CA và thanh niên xung kích các địa phương đã ra quân giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả; giải phóng những tuyến đường bị sạt lở ở các xã: Bok Tới, Đắk Mang, Ân Hữu, Ân Nghĩa để người dân đi lại. Những đoạn đường bị sạt lở mố cầu nặng, huyện đã đổ đất và cắm biển cảnh báo, không cho người dân qua lại. Ngành y tế địa phương tiến hành công tác xử lý môi trường, vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng ngừa dịch bệnh, nhất là xử lý các giếng bị ngập nước để người dân có nguồn nước sử dụng. Huyện cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng đánh giá: Đợt mưa lũ ngày 5 và ngày 6.11 diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về giao thông, thủy lợi và đời sống, sản xuất của nhân dân tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh. Riêng tại Hoài Ân, nhờ có kế hoạch tốt, chủ động ứng phó nên đã hạn chế được một phần thiệt hại, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Dù vậy, việc vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao là điều phải sớm giải quyết dứt điểm. Huyện Hoài Ân cần liên tục cập nhật diễn biến cơn bão số 13, đặc biệt đảm bảo an toàn cho dân.
Về hướng khắc phục hậu quả thiên tai, đồng chí Hồ Quốc Dũng thông báo: Trong tuần này, tỉnh sẽ hỗ trợ khẩn cấp gạo cho đồng bào, đảm bảo không có bất cứ ai bị thiếu đói; hỗ trợ tiền để các hộ có nhà bị sập, hư hỏng nhanh chóng sửa lại nhà, sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất. Tỉnh cũng ghi nhận các kiến nghị đề xuất của Hoài Ân, trước mắt tỉnh sẽ hỗ trợ huyện sửa chữa, khắc phục những công trình giao thông, thủy lợi cấp thiết, nhằm phục vụ giao thông, sản xuất.
Xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới ở Vĩnh Thạnh
Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dẫn đầu đã kiểm tra tại huyện Vĩnh Thạnh, ghi nhận tình trạng sạt lở, ngập úng, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị hư hỏng nặng do bão số 9 cùng hoàn lưu của bão số 10 và ảnh hưởng của bão số 12. Những ngày qua, các lực lượng đã nỗ lực khắc phục, nối lại các tuyến giao thông, nhưng do mưa liên tục nên đã xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiểm tra một điểm sạt lở trên đường giao thông thuộc địa bàn xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh và các xã trong việc ứng phó với bão lũ trong thời gian qua, nhất là trong việc di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng thời tiết đang có những diễn biến khác thường, khi lượng mưa không quá lớn nhưng gây sạt lở, xuất hiện lũ quét, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, có khu vực khi sạt lở còn kèm theo tiếng nổ, đây là điều chưa từng được ghi nhận trong nhiều năm qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh và UBND huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra các điểm sạt lở, tập trung phương tiện san gạt đất đá, khôi phục giao thông. Trong thi công cần đảm bảo an toàn, cân nhắc khi điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai, lưu ý các “hàm ếch” ở khu vực bị sạt lở có thể tiếp tục sụt lún.
Cát, đá sạt lở bồi lấp mương nước Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 (huyện Vĩnh Thạnh)
Trước khả năng tỉnh Bình Định tiếp tục chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu huyện rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở ở làng O3 và làng Đắk Tra (xã Vĩnh Kim) để di dời dân đến nơi an toàn khi có mưa kéo dài. Trước việc các làng O3, O5 có nguy cơ bị chia cắt, huyện cần tập kết lương thực, thực phẩm, nước uống để người dân đủ dùng trong vài ngày; có phương án cung cấp nước sạch dùng ăn, uống cho người dân khi hệ thống nước sạch bị hư hỏng.
Nhận định khả năng một số khu vực sẽ tiếp tục bị sạt lở, ngập úng trong những năm tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tính toán, quy hoạch khu vực tái định cư để di dời những hộ dân hiện đang ở trong vùng nguy hiểm, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.
Theo TIẾN SỸ - LÊ CƯỜNG (baobinhdinh.com.vn)